Tag Archives: việt nam

Nguyên tắc “tập trung dân chủ” là gì?

Tiêu chuẩn

Bình : nên nhớ những “trại tập trung” thời Đức Quốc Xã, thời Liên Xô dưới chế độ Lenin và Stalin … có biết bao triệu người chết oan ? Tập trung là gộp lại, gom góp lại, dồn lại … Tập trung dân chủ : hình thức dân chủ giả tạo vì mọi quyền hành được một nhóm đảng viên trong bộ chính trị nắm trọn, tập trung lại và chỉ có họ mới có quyền sở hữu, quyền quyết định mọi chính sách quốc gia, quyền thưởng và phạt bất cứ ai họ muốn …

Trích dẫn :

Nguyên tắc “tập trung dân chủ” dựa trên hai khái niệm “dân chủ” và “tập trung”. Hai khái niệm này độc lập với nhau và tùy cách sử dụng sẽ bổ sung cho nhau hoặc đối nghịch (nếu không nói là đối kháng). Khi bổ sung cho nhau, nguyên tắc này sẽ cho ta vừa dân chủ tương đối (tương đối thôi nhé), vừa sức mạnh. Khi đối kháng nhau, nguyên tắc này sẽ đưa đến độc tài tòan trị. Tôi sẽ viết về hai cách sử dụng này sau.

ĐCSVN khẳng định nguyên tắc này do Lenin chủ xướng, và Hồ Chí Minh đem về ứng dụng ở Việt Nam. Trong bài Tập trung dân chủ, nguyên tắc tổ chức cơ bản giúp đảng cộng sản loại bỏ mọi khuynh hướng của chủ nghĩa cơ hội đăng trên báo điện tử ĐCSVN, ông GS. Thiếu Tướng Bùi Phan Kỳ khẳng định là nguyên tắc được dịch ra từ cụm từ “Democraticheskii centralism” của Lenin, Democratic Centralism (tiếng Anh), centralisme démocratique (tiếng Pháp).
“Dân chủ tập trung” trong tiếng Anh là democratic focus, hòan tòan khác với democratic centralism. Như vậy từ nay chúng ta có thể yên tâm khẳng định là nguyên tắc “tập trung dân chủ” mà ĐCSVN sử dụng là democratic centralism. Có một số người cho rằng nguyên tắc này không phải là sáng kiến của Lenin, nhưng đó là chuyện nội bộ của mấy đồng chí Cộng sản.

Khi Hồ Chí Minh đem về Việt Nam tôi nghĩ ông ta thừa thông minh để biết đây là cái tròng của Cộng sản Quốc tế nên ông ta cố tình sử dụng cụm từ “dân chủ tập trung”. Tôi nghĩ ông Hồ có cái tâm nhưng vì cô thế nên phải phục tùng Cộng sản Quốc tế rồi sau đó phục tùng số đông trong đảng Cộng sản của ông.

Theo Lenin, nguyên tắc này có hai vế dân chủ và tập trung. Hai vế này cũng có thể xem là hai nguyên tắc độc lập nhưng luôn luôn đi chung với nhau. Đó là “tự do trong thảo luận” (freedom in discussion) và “thống nhất trong hành động” (unity in action). Trong đại hội đảng, mọi người có quyền tự do thảo luận và một khi các chính sách đã được thông qua trong một nghị quyết, mọi người phải tuân chỉ. Lưu ý là tự do thảo luận chỉ là một trong nhiều quyền căn bản của con người. Tôi sẽ viết về cách sử dụng nguyên tắc này của các đảng Cộng sản.

Lenin rất khôn khi dùng hai vế này như một khẩu hiệu (slogan) vì cái khẩu hiệu này dễ nhớ, dễ tuyên truyền. Vào thời điểm đầu thế kỷ 20 khi “dân chủ” chỉ là một khái niệm thì cái nguyên tắc này không có gì sai cả, mặc dù Trotski có phản đối. Hiện tại khi mà ở các nước dân chủ phương Tây (dân chủ tư sản theo cách nói của mấy ông Cộng sản) người dân đã hưởng đủ mọi nhân quyền và cái khái niệm dân chủ ở các nước dân chủ XHCN vẫn còn dậm chân ở thời đầu thế kỷ 20 thì cái nguyên tắc này có quá nhiều bất cập nếu không thay đổi cách sử dụng.

Nguyên tắc này không hạn chế sử dụng ở các nước XHCN mà còn sử dụng ở các nước dân chủ tư sản. Tôi sẽ dẫn chứng một số thí dụ dưới đây.
Dẫn chứng 1: hai vợ chồng trên đường về nhà, người vợ nói với chồng “Anh ghé vào chợ để mua một ít thức ăn nhé.”. Ông chồng có một trong hai phản ứng.

Dân chủ: ông chồng nghe lời vợ ghé xe vào chợ mua đồ. Cả hai đều vui vẻ vì cả hai đều thực hiện quyền dân chủ của mình, và bất cứ ai cũng có quyền đề nghị và thảo luận, bất cứ lúc nào.

Phản dân chủ: ông chồng “tại sao khi ra đi em không bàn trước, bây giờ không ghé, chờ lần bàn bạc tới và nếu có kết luận ghé chợ thì anh mới ghé.” Ở đây ông chồng sử dụng cái nguyên tắc bất di bất dịch.
Dẫn chứng 2: hiến pháp và luật pháp. Hiến pháp do toàn dân phúc quyết lập ra. Có rất nhiều mặt của vấn đề nhưng có một mặt đó là mọi người thảo luận để có một kết luận chung rồi mọi người tập trung thi hành nó. Luật pháp hơi khác một tí vì quốc hội đại diện người dân làm ra nhưng mọi người dân đều tuân thủ nó cả.

Dân chủ: Hiếp pháp do toàn dân phúc quyết lập ra và nếu có điều gì sai hoặc lỗi thời, điều đó sẽ được sửa với quyền phúc quyết của người dân. Bất cứ người dân nào cũng có quyền kiện lên tòa bảo hiến nếu thấy một điều lệ nào sai.

Phản dân chủ: Hiếp pháp do một nhóm người tự xưng là đại diện dân lập ra và vì vậy có rất nhiều điều sai trái, bất cập. Càng sửa, hiến pháp càng xa rời thực tế và không vận hành được. Tệ hại hơn nữa là không có tòa bảo hiến để sử các vụ kiện vi hiến.
Dẫn chứng 3: công đoàn.

Dân chủ: khi có một vấn đề, đại diện công đòan triệu tập đại hội công nhân. Một khi đại hội biểu quyết đình công, toàn bộ công nhân đình công cho đến khi vấn đề được hai bên công nhân và chủ nhân giải quyết ổn thỏa. Giữa hai lần triệu tập đại hội công nhân có tòan quyền thảo luận, quyền thông tin, v.v…

Phản dân chủ: khi có một vấn đề, đại diện công đòan xin ý kiến lãnh đạo đảng, và có khi còn thông đồng với giới chủ nhân để ép công nhân không được quyền phản đối, đình công hay lãng công. Ở Việt Nam, các cuộc đình công hoàn toàn không có thông qua đại hội công đòan và đều tự phát. Công nhân ở đây hòan tòan không có quyền thảo luận, quyền thông tin, v.v…

Để kết luận tôi xin chúc ông Hồ và ĐCSVN sống mãi trong lòng dân như vua Tự Đức (vì không nghe khát vọng canh tân của ông Nguyễn Trường Tộ).

Phạm Anh Tuấn

Dự án Ecopark không xứng đáng được nhận giải Kiến trúc Xanh

Tiêu chuẩn

Dự án Ecopark không xứng đáng được nhận giải Kiến trúc Xanh

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120511-du-an-ecopark-khong-xung-dang-duoc-nhan-giai-kien-truc-xanh-0

Nông dân ba xã bị tịch thu đất của huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên thức trắng đêm 23/04/2012 để chuẩn bị đối phó với lực lượng cưỡng chế.

Nông dân ba xã bị tịch thu đất của huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên thức trắng đêm 23/04/2012 để chuẩn bị đối phó với lực lượng cưỡng chế.

REUTERS/Stringer

Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, giảng viên đại học tại Bắc Mỹ, chuyên gia về kiến trúc và quy hoạch, thì việc “khu đô thị sinh thái Ecopark” có tên trong số dự án được Hội Kiến trúc sư Việt Nam trao giải Công trình Kiến trúc Xanh 2012 chỉ mang tính khuyến khích. Theo ông thì các dự án cần phục vụ cho cộng đồng, chứ không phải đẩy cộng đồng ra ngoài.

Việc chính quyền tỉnh Hưng Yên huy động một lực lượng cưỡng chế hùng hậu lấy đất của dân huyện Văn Giang hôm 24/04/2012 để lấy đất xây dựng dự án Ecopark đã gây xôn xao dư luận cho đến nay.

Được quảng cáo là khu đô thị sinh thái lớn nhất miền Bắc, trang web của chủ đầu tư là công ty tư nhân Việt Hưng và một số tờ báo trong nước cho biết Ecopark đã đoạt được « các giải thưởng danh giá của Việt Nam và thế giới ». Đó là giải Công trình Kiến trúc Xanh Việt Nam năm 2012, và giải thưởng Phát triển phức hợp lớn nhất Việt Nam của ban tổ chức giải thưởng Bất động sản châu Á – Thái Bình Dương.

Thực hư về các giải thưởng này ra sao ? Chúng tôi đã trao đổi với kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia về kiến trúc và quy hoạch, đồng thời là giảng viên đại học tại Bắc Mỹ. Ông là con của cố kiến trúc sư nổi tiếng Ngô Viết Thụ, hiện ông đang làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn – Việt Nam

11/05/2012
by Thụy My

RFI: Kính chào với kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn. Thưa anh, giải thưởng Kiến trúc Xanh này được chọn lựa như thế nào ? Và cá nhân anh nhận xét dự án Ecopark ra sao ?

KTS Ngô Viết Nam SơnDự án Ecopark được giải Kiến trúc Xanh là giải đầu tiên của Hội Kiến trúc sư mới làm năm nay, có tính cách là khuyến khích những công trình hướng đến những tiêu chí xanh, nên mới cho giải công trình Ecopark. Nhưng thật ra trong giới chuyên môn có một số ý kiến về vấn đề này. Họ nói là trong tiêu chí chọn giải, thì công trình phải hoàn thành rồi, trong khi dự án này chưa hoàn thành, chỉ đang phát triển thôi. Cái thứ hai là nó có một số vấn đề về đất đai, nói chung là có những dư luận không được tốt lắm.

Về mặt kiến trúc xanh, thì đây là giải đầu tiên thành ra có những tác phẩm xứng đáng, mà cũng có những tác phẩm người ta đưa vào với tính cách là khuyến khích nhiều hơn. Vì nói chung hiện nay phát triển kiến trúc xanh là một trong những ưu tiên hàng đầu của Bộ Xây dựng cũng như Hội Kiến trúc sư.

Giải thưởng này không có ý nghĩa là đứng về phía chủ đầu tư Ecopark, chỉ thuần túy về chuyên môn. Tức là những nhà thiết kế của Ecopark đã có xem xét những tiêu chí kiến trúc xanh này khi họ thiết kế.

RFI: Trong các tiêu chí có việc hòa nhập môi trường nhân văn, nhưng dự án này lại làm cho nhiều gia đình nông dân mất đất đai rẩt màu mỡ, là phương tiện mưu sinh chủ yếu của họ từ nhiều đời, thì như vậy có tính nhân văn hay không ?

Vâng thì tôi cũng nghĩ vậy – đây là ý kiến riêng của tôi thôi. Tôi nghĩ rằng khi mà ban giám khảo chọn giải, thì cũng có thông tin ở một mức độ nào đó thôi, cái tình trạng xung đột đỉnh cao xảy ra sau này.

Thật sự đã gọi là phát triển bền vững thì đúng là cần phải hòa nhập môi trường nhân văn, và dự án mới phải có sự liên kết, phải gắn kết với cộng đồng hiện nay. Và nhất là khu vực đó nếu lâu nay mình phát triển nông nghiệp, đã có cộng đồng rồi, thì phải xem xét chuyện đó như là một thành phần của dự án.

Tôi cho rằng khi xét những tiêu chí này của Ecopark, giải thưởng Kiến trúc Xanh thì mới thành ra ban giám khảo có phần nương nhẹ một tí, để cho có một số tác phẩm giới thiệu cho đồng nghiệp nhằm khuyến khích anh em kiến trúc sư phát triển theo tiêu chí đó.Tôi nghĩ rằng đây là một kinh nghiệm, có thể sang năm chuyện xét duyệt sẽ chi tiết hơn và khắt khe hơn.

Theo tôi biết thì có một số anh em đang đề xuất là nên rút lại cái giải thưởng này. Tôi nghĩ rằng với dự án Ecopark thì những xung đột cần phải được giải quyết bằng pháp luật. Và riêng về Hội Kiến trúc sư, thì việc có rút lại giải này hay không cũng phải theo luật pháp luôn, vì chúng ta đưa cái giải này ra, có muốn rút lại thì cũng phải theo quy trình.

RFI: Như anh có nói lúc nãy, đúng ra nên trao cho những dự án đã hoàn thành, vì thực tế nhiều khi không đúng như trên giấy tờ ?

Đúng rồi, tôi nghĩ cái giải này mới làm năm nay nên có du di một tí để cho có cái để trình làng nói chuyện. Nhưng có lẽ từ năm sau trở đi những tiêu chí này sẽ được Hội kiểm tra nghiêm ngặt.

Tức là khi mà đặt tiêu chí tác phẩm này phải hoàn thành, thì cũng phải để cho nó lắng xuống một tí. Và để coi thứ nhất là cộng đồng chuyên môn người ta có cảm nhận như thế nào, cũng như cộng đồng ở nơi phát triển dự án đó người ta nghĩ về dự án như thế nào. Như vậy lúc đó thì những giải thưởng cho dự án sẽ chính xác hơn.

RFI: Còn nếu nói về mặt đạo lý, nếu mua nhà ở một đô thị xanh, hưởng những tiện nghi môi trường, nhưng nghĩ đến vụ cưỡng chế thì những người có ý thức cũng không cảm thấy thoải mái…

Đúng vậy, thật ra trong chuyện này tác động của nhà thiết kế cũng rất là quan trọng. Tôi nhớ lại thời trước làm việc với các công ty (…) về dự án Bắc Hà Nội ở Đông Anh, hồi đó có những cái làng ở quanh khu vực. Khi nhóm thiết kế ngồi bàn với nhau, thì chúng tôi khoanh vùng những làng đó và tạo những vành đai xanh là ruộng đồng, đề xuất nên giữ lại.

Theo tôi biết, nhà thiết kế Ecopark là của Singapore, thì không biết tại sao người ta không đề xuất với chủ đầu tư việc đó. Chứ thực sự ra khi làm một dự án quy hoạch và nhất là một dự án gọi là sinh thái, thì việc mình bảo tồn những giá trị của cộng đồng ở tại nơi phát triển dự án là một điểm rất quan trọng.

Không những là vấn đề đạo lý, nhân văn vân vân, mà nó nâng cao bản sắc cho dự án rất nhiều. Tôi nghĩ dự án này Hội cho giải nhằm khuyến khích dự án xanh thôi, chứ còn nói sâu rộng về những tiêu chí, thì so với những dự án khác được giải Kiến trúc Xanh năm nay, dự án Ecopark chưa có ngang tầm.

Chẳng hạn như công trình Nhà cộng đồng thôn Suối Rè của anh Hoàng Thúc Hào. Mặc dù chỉ là một công trình kiến trúc nhỏ thôi, nhưng người thiết kế người ta có cái tâm tư phục vụ cho cộng đồng, chứ không phải là đẩy cộng đồng ra ngoài. Thành ra tôi thấy nếu mà so Nhà cộng đồng Suối Rè và cái giải cho Ecopark, thì Suối Rè đúng tầm hơn.

RFI: Khi mà người dân nhận tiền đền bù vài chục triệu hay vài trăm triệu chẳng hạn, rồi cả gia đình thất nghiệp luôn thì hậu quả xã hội chắc là rất lớn…

Vâng, tôi rất hy vọng là với những phản hồi như vậy, thì nhà đầu tư cũng như nhà thiết kế sẽ ngồi lại, và người ta sẽ xem lại mình. Nếu họ có điều đình, lắng nghe ý kiến của cộng đồng tại chỗ, thì tôi nghĩ sẽ có giải pháp

RFI: Cũng trong tháng Tư, Ecopark lại được giải thưởng bất động sản châu Á – Thái Bình Dương. Thưa anh, giải thưởng này có giá trị gì ?

Thường thường mấy cái giải bất động sản thì có lẽ chúng ta đều hiểu rằng nó có tính chất thương mại nhiều hơn, và thường là giá trị không cao. Cái đó là để marketing cho vui thôi, chứ còn những người hiểu biết thì người ta không đánh giá cao những giải như thế này.

Giải thưởng kiến trúc thì nói chung cũng có bề dày, và có nhiều công trình có giá trị được giải. Còn những giải bất động sản thì tôi thấy ở Việt Nam nói chung là tạo ra được rất nhiều giải, nhưng thường thì giá trị không cao. Cái thứ hai là những giải bất động sản đứng về phía chủ đầu tư nhiều hơn. Tức là anh làm một dự án mà thâu được lợi nhiều nhất cho chủ đầu tư thì anh được giải. Cái chuyện giải bất động sản mà tính đến lợi ích cho nhân dân địa phương thì tôi thấy hầu như không có ở Việt Nam.

RFI: Nhưng trong bài viết nói là giải thưởng này được thẩm định bởi 60 chuyên gia từ mọi lãnh vực trong ngành bất động sản ?

Thì họ nói vậy thôi, chứ còn bây giờ nếu liệt kê danh sách những chuyên gia đó là những ai, thì tôi nghĩ là những chuyên gia có uy tín người ta không dám nhận đâu ! Đó là chuyện thương mại, người ta quảng cáo, nhưng mà thực chất nó ra sao thì mình phải hiểu thôi.

Tôi thì tôi thấy rằng chuyện này khi mình nêu lên thì nên nhìn một cách tích cực. Là khi có những xung đột, thì đó là những vấn đề để phản tỉnh, và khi chúng ta giải quyết được những vấn đề đó, thì sẽ có một dự án rất giá trị.

Chẳng hạn hồi nãy tôi nói, tôi cho rằng Ecopark chưa xứng đáng với giải năm nay. Nhưng bây giờ nếu nhà đầu tư và kiến trúc sư bên Singapore ngồi lại với nhau, có những điều chỉnh phù hợp, để cho người dân tại chỗ còn đất cắm dùi, và phát triển hài hòa với mối quan hệ đó, thì lúc đó tôi hoàn toàn ủng hộ việc trao giải cho Ecopark.

RFI: RFI Việt ngữ xin chân thành cảm ơn kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn đã dành thì giờ trả lời phỏng vấn của chúng tôi hôm nay.

Con gái út của Ngô Đình Nhu tử nạn tại Rome

Tiêu chuẩn

Con gái út của Ngô Đình Nhu tử nạn tại Rome

Bình : Ông Ngô Đình Nhu và cố Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa, một quốc gia dân chủ đầu tiên ở đông nam á, đã bị phật giáo quá khích và cộng sản giết chết cách dã man thay vì bắt sống để đem ra xét xử cho đúng tình người, dưới sự lãnh đạo của phật tử Dương Văn Minh, Đỗ Mậu và đồng bọn, những kẻ phản tặc, dẫn đường cho Cộng Sản vào xâm chiếm miền Nam, và mở đường cho Mỹ nhảy vào cuộc chiến Việt Nam. Các con của ông Nhu phải đi tị nạn chính trị sau 1975 khi miền Nam dân chủ rơi vào tay cộng sản độc tài vì sợ bị cộng sản trả thù hoặc ám sát. Bài viết trên vietnamnet có đề cập đến việc “tị nạn” chính trị của bà Ngô Đình Lệ Quyên, một con người theo công giáo, sống niềm tin của bà qua công việc bác ái từ thiện. Bà đã trở thành một tấm gương anh dũng cho dân tộc Việt Nam, cho những người có lương tâm, lương tri. Bà là cháu của đức cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, người đang được tòa thánh Vatican và giáo hội công giáo Việt Nam điều tra và làm hồ sơ tấn phong lên hàng thánh, nghĩa là công nhận với tư cách hoàn vũ rằng đức cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận là một người đã từng sống cuộc đời gương mẫu, thánh thiện theo chân vị thầy Giê-su của đạo Ki-tô giáo. Một lời tiếc thương tiễn đưa bà Ngô Đình Lệ Quyên về nơi an nghỉ cuối cùng và chờ ngày phục sinh trong vinh quang bên Đấng Tình Yêu, cội nguồn của mọi sự sống và sự hiện hữu trong vũ trụ bao la này.

Trên trang Caritas của Italy hôm 16/4 cho biết bà Ngô Đình Lệ Quyên, con gái út của ông Ngô Đình Nhu đã tử nạn trong một tai nạn giao thông tại Rome (Italy) khi chiếc xe của bà va phải một xe bus chở học sinh.

 

Bà Ngô Đình Lệ Quyên

 

Theo một số nguồn tin, khi đó bà Lệ Quyên đi xe gắn máy và không đội mũ bảo hiểm và đầu bị đập xuống đường.

Bà Lệ Quyên lấy chồng người Italy và có một người con trai. Bà Lệ Quyên hưởng thọ 53 tuổi.

Bà Lệ Quyên đã làm việc trong nhóm Caritas ở Rome về vấn đề người nhập cư, và có vai trò to lớn trong việc nâng tầm ảnh hưởng các chính sách của tổ chức này lên tầm quốc tế.

Theo trang thông tin này, bà được các đồng nghiệp trên khắp thế giới nhớ tới vì những đóng góp và cống hiến dành cho người nghèo.

Một đồng nghiệp làm việc cùng bà Lệ Quyên nói: “Bản thân Lệ Quyên cũng là một người tị nạn. Những kinh nghiệm sống của bản thân bà luôn được thể hiện trong tình yêu và lao động không ngừng đối với những người tị nạn mà bà giúp đỡ.

Niềm, tin, dự can đảm, sự chăm chỉ và nói ra sự thật chính là động lực của bà. Bà là người đấu tranh cho những người nhập cư tại Rome. Sự ra đi của bà khiến chúng tôi và những người nhập cư ở Rome cảm thấy đau xót, bà đã đấu tranh trong quá nhiều năm ròng”.

 

 

 

Một đồng nghiệp khác của bà là Enrico Feroci chia sẻ: “Lệ Quyên là một tấm gương cho tất cả chúng ta. Trong rất nhiều năm, bà đã đấu tranh vì người nghèo và người tị nạn cùng với lòng nhiệt tình, niềm tin và sự chuyên nghiệp”.

Bà Ngô Đình Lệ Quyên sinh năm 1959 ở Sài Gòn. Bà đã tới Italy vào năm 1990.

Từ năm 1992 – 1996, bà chịu trách nhiệm quản lý trung tâm dành cho người tị nạn Caritas Rome.

Bà đã làm việc về vấn đề di dân ở cấp độ quốc gia của Italy, sau đó là ở quy mô châu Âu thuộc Caritas châu Âu. Bà Lệ Quyên là một khuôn mặt nổi bật trong các cuộc hội thảo về phát triển chính sách di dân.

Chính quyền Italy đã vinh danh bà và công nhận quốc tịch vào năm 2008.

Trước đó, năm 1968, bà Ngô Ðình Lệ Thủy thiệt mạng trong một tai nạn giao thông tại Pháp.
Năm 2011, bà Trần Lệ Xuân cũng qua đời tại Italy.
Ông bà Ngô Ðình Nhu có bốn người con, hai nam, hai nữ.

Bước kế tiếp sau vụ Giáo Dục & Đào Tạo tiếng Hoa trên đất Việt

Tiêu chuẩn

Bước kế tiếp sau vụ Giáo Dục & Đào Tạo tiếng Hoa trên đất Việt

Đỗ Đăng Liêu

Trong khi Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam (CSVN) kiên trì trong việc thẳng tay đàn áp, kết tội, bỏ tù hàng trăm nhà dân chủ như Nguyễn Xuân Nghĩa, Phạm Thanh Nghiên, Điếu Cày,… vì họ dám lên tiếng cảnh báo về nguy cơ Bắc thuộc lần thứ 5 đang diễn ra;

Trong khi Nhà Nước CSVN thẳng tay đàn áp, đánh đập, thậm chí đạp vào mặt người biểu tình, bắt cóc, bắt giam, bỏ tù những người yêu nước đã xuống đường hơn chục lần biểu tình phản đối Trung Cộng xâm lấn biển đảo của Việt Nam như Nguyễn Chí Đức, Bùi Thị Minh Hằng,…;

Trong khi Nhà Nước CSVN hèn nhát làm ngơ trước thảm nạn của hàng ngàn ngư dân Việt Nam bị hải quân Trung Cộng xua đuổi không cho đánh bắt cá ngay trong hải phận của nước Việt và đánh đập, bắn giết họ,… để lại những goá phụ, trẻ thơ không cha trong hoàn cảnh vô cùng thảm thương;

Trong khi Nhà Nước CSVN tự bịt mắt và bỏ ngoài tai những báo động khẩn cấp của các chuyên gia trí thức trong và ngoài nước về hiểm họa bùn đỏ đối với môi sinh của việc khai thác bôxít mà Nhà Nước CSVN đang giao cho các công ty Trung Cộng khai thác ở Tây Nguyên;

Trong khi Nhà Nước CSVN tiếp tục bỏ ngoài tai tất cả những báo động của các các tướng lãnh, các chuyên gia quân sự, kể cả tướng Võ Nguyên Giáp, về nguy cơ chiến lược khi để cho quân đội Trung Cộng trá hình đội lốt công nhân chiếm đóng và dùng Tây Nguyên làm bàn đạp cho tham vọng kiểm soát toàn vùng Đông Dương;

Trong khi Nhà Nước CSVN bỏ mặc những báo động của các chuyên gia môi sinh về nguy cơ đất lở, lũ lụt nghiêm trọng, và ô nhiễm nguồn nước gây nên do việc cho Trung Cộng thuê rừng dài hạn và phá rừng ở đầu nguồn;

Trong khi Nhà Nước CSVN thản nhiên bỏ mặc cho các sản phẩm Made in China đổ vào Việt Nam bằng mọi ngả, tràn ngập thị trường, phá nát kinh tế và gây ra muôn vàn những bệnh hoạn và khuyết tật cho người dân Việt;

Trong khi lòng người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước đang uất nghẹn nhớ về những mốc điểm bi hùng trong quá khứ như ngày 19/1/1974 Trung Cộng đánh chiếm Hoàng Sa, ngày 17/2/1979 Trung Cộng xua quân tràn qua biên giới phía Bắc, ngày 14/3/1988 Trung Cộng đánh chiếm Trường Sa, đánh dấu sự xâm lược trắng trợn của Trung Cộng đối với Việt Nam và sự hy sinh của bao người con yêu của Tổ Quốc;

Trong khi 85 triệu người dân Việt phẫn uất của trước thái độ ‘hèn với giặc — ác với dân’ của Đảng và Nhà Nước CSVN; 85 triệu trái tim sục sôi vạch mặt gọi thẳng những ‘tàu lạ’, ‘nước lạ’ là “Trung Cộng” và cũng gọi thẳng ‘16 chữ vàng, 4 tốt’ là thuốc độc quậy đường;

Thì…

Nhà Nước CSVN bất thần thông báo tiếng Hoa sẽ được đem giảng dạy tại các trường tiểu học và trung học cơ sở trên toàn quốc.

Người ta không thể không sững sờ và đặt câu hỏi “tại sao” Nhà Nước CSVN tung ra việc dạy tiếng Hoa vào thời điểm này! Một quyết định cực kỳ “nhạy cảm” như vậy không thể xuất phát từ cái bộ phận cỏn con trong cả guồng máy là Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, mà hẳn nhiên phải phát xuất từ bộ phận đầu não là Bộ Chính Trị Đảng CSVN.

Xét về mặt quyền lợi của dân tộc Việt Nam, không ai có thể tìm thấy một lời giải thích nào hợp lý cho quyết định này của lãnh đạo Đảng CSVN. Đã gần cả thế kỷ qua, với đà tiến hoá của Việt Nam và tình hình phát triển thế giới, việc học chữ Nho đã không còn là một nhu cầu của các thế hệ dân Việt. Rõ ràng học tiếng Hoa để làm gì khi đại đa số học sinh và sinh viên Việt Nam ùn ùn đi du học ở các quốc gia nói tiếng Anh như Mỹ, Úc, Canada…?

Xét về mặt duy trì một ngôn ngữ cho nhân loại thì đây lại càng là chuyện “lo bò trắng răng”. Khác với các ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số miền núi tại Việt Nam, các loại tiếng Tàu đang được hàng tỉ người xử dụng. Loại tiếng Tàu ít người dùng nhất cũng vẫn đông hơn dân số cả nước Việt Nam.

Nếu bảo rằng mục tiêu là để bảo tồn di sản văn hóa của cộng đồng người Hoa tại Việt Nam thì cũng rất khiên cưỡng. Sau mấy thập niên đảng CSVN liên tục tẩy sạch MỌI loại văn hóa, bất kỳ gốc rễ nào, để dành chỗ độc quyền cho “văn hóa con người mới XHCN”, thì còn gì để mà bảo tồn. Ngay cả văn hóa cổ truyền của cha ông Việt cũng từng bị liệt vào loại văn hóa tàn dư phong kiến và bị triệt để “tẩy sạch” thì nói chi đến văn hóa Tàu trên đất Việt! Còn nếu xem đây là các di tích lịch sử hiếm hoi còn sót lại thì việc bảo tồn lại càng thuộc về cấp đại học, hậu đại học chứ không phải của các em nhỏ tiểu học và trung học.

Và khi làn sóng phản đối của dân chúng lên quá cao, lãnh đạo đảng bèn cho Bộ GD&ĐT chữa cháy bằng tuyên bố rằng chương trình này chỉ áp dụng cho các trẻ em gốc Hoa và mục tiêu vẫn là để bảo tồn di sản văn hóa Tàu trên đất Việt. Tuy nhiên, sự vô lý trong cả 2 tuyên bố vẫn còn nguyên!

Nhìn vào chương trình học mà Bộ GD&ĐT công bố người ta thấy ngay họ sẽ dậy nói tiếng Quan Thoại (tức tiếng Hán hay còn gọi là tiếng Phổ Thông) và dậy cách viết ít nét (tức kiểu giản thể do nhà nước Trung Cộng chế biến). Trong khi đó, đại khối người Hoa từng sống tại Việt Nam đều nói tiếng Quảng Đông. Một thiểu số nói tiếng Phúc Kiến và tiếng Hẹ. Và tất cả đều dùng cách viết truyền thống nhiều nét (còn gọi là kiểu phồn thể).

Do đó, nhìn từ góc độ nào cũng vẫn thấy đối tượng của việc dạy tiếng Hoa là con em của thế hệ người Hoa mới tới Việt Nam trong những năm gần đây. Cụ thể là tại các khu biệt lập của người Hoa trên khắp các tỉnh, thành tại Việt Nam, từ Tây Nguyên đến trên 20 vùng cho thuê rừng dài hạn, đến ngay giữa lòng Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, v.v. Các lý do khác chỉ là những màn che đậy vụng về.

Câu hỏi kế tiếp, thế thì tại sao lãnh đạo đảng CSVN lại muốn chọc giận cả dân tộc khi làm rình rang việc “hỏi ý” nhân dân về việc đưa tiếng Tàu ra dậy dân Việt? Việc Bộ GD&ĐT, hay bất kỳ ban ngành nào, hỏi ý nhân dân về một kế hoạch của họ là điều gần như chẳng bao giờ xảy ra. Ngay cả các phản biện “tự phát” của nhân dân còn bị xem là phản động như đã thấy qua các vụ xây nhà máy lọc dầu Dung Quất, khai thác Bôxít Tây Nguyên, xây nhà máy điện hạt nhân, v.v. thì làm gì có nhu cầu khuyến khích phản biện về một chủ đề nhậy cảm đến như vậy.

Nhiều người đã cố tìm lời giải, nhưng có lẽ chỉ có một giải thích hợp lý là Đảng CSVN đã làm việc này theo các đòi hỏi hoặc giao ước đã có với Bắc Kinh. Và mục tiêu tối hậu là để làm lờn sự phẫn uất của dân tộc Việt nhằm chuẩn bị cho các bước kế tiếp.

Nếu nhìn vào quá trình “xâm lược mềm” được Bắc Kinh tiến hành tại Miến Điện, người ta có thể đoán được sau khi đã thành công bước khó nhất là lập được các khu riêng biệt của người Hoa trên đất Việt, Bắc Kinh sẽ tiến tới việc chính thức cho lập các trường riêng cho con em người Hoa sống trong các khu này và các vùng lân cận. Dĩ nhiên học sinh Việt không được vào học vì “không thích hợp”. Tiếp theo sau trường học là các trụ sở cộng đồng của người Hoa trong vùng. Sau đó là quyền sở hữu nhà, đất của người Hoa trong khu biệt lập và vùng lân cận được chính thức công nhận. Nghĩa là họ không còn sang làm việc tạm thời mà sẽ ở vĩnh viễn trên đất Việt. Bước kế tiếp, cư dân trong khu biệt lập “bầu” ra ban đại diện để tự điều hành khu vực. Sau đó, Bắc Kinh mời lãnh đạo của các ban đại diện này về tham dự các lễ hội tại Bắc Kinh và gọi đó là các “đại biểu” từ các vùng sâu vùng xa. VÀ TỪ ĐÓ TỪNG KHU VỰC NÀY ĐƯỢC COI LÀ VÙNG MÀ BẮC KINH CÓ BỔN PHẬN PHẢI “BẢO VỆ”. Thế là xong!

Cả tiến trình “tằm ăn dâu” này đã tuần tự diễn ra trên đất Miến Điện và đang đi đến các giai đoạn chót khi giới lãnh đạo nước này bừng tỉnh nhận ra chẳng có quan chức gốc Tây Tạng hay Ngô Nhĩ (Uighur) nào đang cai trị 2 đất nước bị Bắc Kinh lấn chiếm này cả.

JPEG - 26.8 kb
Đứng giữa là ông Giang Trạch Dân và Lý Bằng. Ông Giang cầm cánh tay Nguyễn Văn Linh. Bên trái là Đỗ Mười và Phạm Văn Đồng (chắp tay). (Hình do ông Bùi Tín sưu tầm).
JPEG - 42.7 kb
Hàng đầu: Tổng bí thư Giang Trạch Dân cùng Thủ tướng Lý bằng đứng giữa. Phía bên phải Giang là Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và Cố vấn Phạm Văn Đồng (chắp tay). Phía bên trái Lý là Thủ tướng Đỗ Mười, Chánh văn phòng TW Hồng Hà, Thứ trưởng ngoại giao Đinh Nho Liêm. (Hình do ông Bùi Tín suu tầm).

Người ta còn nhớ vào tháng 9 năm 1990, ông Nguyễn Cơ Thạch, lúc bấy giờ là Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao, tháp tùng chuyến đi “cầu hòa” của lãnh đạo CSVN gồm Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Đỗ Mười, và Cố Vấn Phạm Văn Đồng với giới lãnh đạo Trung Cộng ở Thành Đô gồm Tổng Bí Thư Giang Trạch Dân và Thủ Tướng Lý Bằng. Vì quan điểm khác biệt, ông Nguyễn Cơ Thạch đã bị gạt ra ngoài, không được tham dự cuộc họp cực mật nói trên. Ông dư biết các điều kiện từ phía Bắc Kinh và đã phải than thở: “Thế là một cuộc Bắc thuộc mới rất nguy hiểm đã bắt đầu!”. Hậu quả tức thời, mà tự nó xác nhận giá trị lời báo nguy của ông Nguyễn Cơ Thạch, là ông ta đã tức khắc bị loại khỏi chức vụ Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Ngoại Giao và mất luôn chiếc ghế Ủy Viên Bộ Chính Trị, Uỷ Viên Trung Ương Đảng. (1)

Ngày hôm nay, thực tế cho thấy tiến trình “xâm lược mềm” khởi đầu từ thời ông Nguyễn Cơ Thạch đã tiến không ngừng nghỉ suốt 22 năm qua và đang đi vào các giai đoạn chót. (2)

– – –

Ghi chú:

(1) Nguồn: http://www.voanews.com/vietnamese/blogs/tin/thoi-ky-bac-thuoc-moi-07-19-2011-125825768.html

(2) Ông Nguyễn Cơ Thạch có tên thật là Phạm Văn Cương. Oái oăm thay, nay chính con trai của ông, tức đương kim Bộ Trưởng Ngoại Giao Phạm Bình Minh, đang góp phần giúp giới lãnh đạo Hà Nội hoàn tất các giao ước trong tiến trình Bắc thuộc đó.

http://viettan.org/Buoc-ke-tiep-sau-vu-Giao-Duc-%C4%90ao.html

Chỉnh đốn Đảng cộng sản hay chọn Dân chủ?

Tiêu chuẩn

Chỉnh đốn Đảng cộng sản hay chọn Dân chủ?

Đoàn Viết Hoạt

Tuyên bố này nói lên một sự thực còn tồi tệ hơn: một nồi canh với một bầy sâu thì chỉ còn là một nồi canh sâu? Mà đã là nồi canh sâu thì còn tiếc gì nữa mà không đổ bỏ đi. Ai còn có thể ăn được, trừ khi quá nghèo khổ không ăn thì chết.

Đảng đang kêu gọi chỉnh đốn để hy vọng trừ diệt bầy sâu, làm trong sạch đảng. Đảng nói thế chứ dân không tin thế.

Dân gian hiện nay có câu: “Đảng cứ nói, dân cứ làm”, và Đảng nói đường đảng, dân làm đường dân.

Dân cứ làm như thế nào? Tiêu cực thì dân cấy sâu vào nồi canh của đảng. Dân nuôi các công an địa phương; hối lộ cảnh sát giao thông; móc ngoặc với cán bộ thoái hóa.

’Nồi canh đảng’ ngày càng có nhiều sâu, sâu ngày càng to và mập hơn. Dân hoan hô nghị quyết, hoan hô đảng công khai trong các buổi họp tổ dân phố, nhưng ’chửi đảng’ thậm tệ nơi riêng tư, với nhau, trong gia đình, ngoài đường phố, tại các quán nước, trên xích lô, trong taxi.

Sống hai mặt

Mọi người đều phải sống hai mặt, nói một đằng làm một nẻo, trước mặt nói tốt, làm tốt, vắng mặt nói xấu, làm xấu.

Dân phải làm như thế mới sống được, mới không bị đi tù, không bị theo dõi, trù úm; mới hy vọng làm ăn, học hành, sinh sống yên ổn được.

Nhưng nếu dân cả nước cứ phải làm như thế thì than ôi, đất nước còn gì, dân tộc còn gì; còn gì để tự hào dân tộc, còn đâu là tiêu chuẩn đạo đức, là trật tự xã hội, là ’Công bằng, Văn minh’?

Còn đâu Văn hiến chi bang, đạo thống Tiên Rồng? Tiền đồ dân tộc và tương lai đất nước đi về đâu? Người Việt nào có lòng mà im lặng được trước tình trạng băng hoại đạo đức, tinh thần toàn diện như thế?

Trong khi đó thì đảng nói gì và làm gì? Cần sửa sai và chỉnh đốn. Chỉnh đốn đảng để đưa đất nước tiên lên chủ nghĩa xã hội. Nhưng như câu nói ngoài dân thể hiện thực tế: “càng chỉnh càng đốn”. Liệu còn chỉnh đốn được không? Hay câu hỏi chính xác hơn là: thể chế chính trị cộng sản có chỉnh đốn được không?

Nhiều cựu lãnh đạo cộng sản thế giới đã thú nhận chế độ cộng sản không thể sửa sai được. Từ ông Gorbachev đến ông Yeltsin đều nói như thế.

Ông Gorbachev giờ đây còn tỏ ra ân hận là mình vẫn cố sửa đổi để mong cứu Đảng Cộng sản Liên Xô vào những tháng cuối cùng của chế độ cộng sản. Ông tiếc là đã không bỏ đảng CS sớm hơn.

Yeltsin, Gorbachev là những lãnh tụ cộng sản quốc tế lừng danh. Họ không phải là những người chống cộng. Họ phải biết rõ hơn bất kỳ nhà lãnh đạo cộng sản nào ở Việt Nam về bản chất của hệ thống chính trị cộng sản.

Họ đã can đảm mở đường cho Nga trước, Liên Xô sau, dứt bỏ chủ nghĩa cộng sản và hệ thống chính trị cộng sản. Họ đã không vì quyền và lợi riêng mà cố duy trì cho bằng được cái chủ nghĩa và hệ thống chính trị cộng sản đã lỗi thời đó.

Đây là chủ nghĩa và hệ thống ngoại lai mà một người Việt, ông Lý Đông A từ đầu thập niên 1940, đã khẳng định là thứ chủ nghĩa “lạc hậu non 100 năm”, thất bại trong kiến thiết tại Liên Xô và sẽ hoàn toàn sụp đổ trên toàn thế giới.

Không thể sửa sai một chủ nghĩa và một cơ chế chính trị đã sai lầm từ bản chất, từ các quan điểm nền tảng. Chỉnh đốn đảng để thực hiện khẩu hiệu trên, do đó, chỉ là công sức vô ích, dù thiện chí có thực đến thế nào.

Đối với người dân Việt, giải pháp duy nhất tốt lúc này, cho chính đảng cộng sản và cho đất nước, không phải là chỉnh đốn Đảng Cộng sản, mà là trả lại quyền tự quyết cho toàn dân – là dân chủ, dân chủ chân chính và toàn diện.

Dân chủ chân chính, để mọi thành phần dân chúng, cụ thể là hai thành phần còn tin theo cộng sản và không tin theo cộng sản, đều được quyền cùng tồn tại, cùng tự do hoạt động, cùng cạnh tranh lành mạnh, để đưa ra và thực hiện các chương trình kiến thiết đất nước. Cạnh tranh trong ôn hòa, công khai, minh bạch, trong sáng, để toàn dân cùng so sánh và tự do chọn lựa.

Dân chủ toàn diện để người dân thực sự làm chủ được mọi hoạt động của mình trong mọi lãnh vực, từ kinh tế thương mại, đến văn hóa, giáo dục, thông tin, tôn giáo, tư tưởng và chính trị. Đất nước tiến được hay không là do toàn dân có được môi trường và điều kiện để sinh họat tự do, tích cực, có hiệu quả trong mọi lãnh vực hay không.

Pháp trị thay cho Đảng trị

Môi trường và điều kiện cần thiết đó chính là hệ thống chính trị Dân chủ Pháp trị, không phải độc tài Đảng trị hiện nay.

Hiến pháp và luật pháp phải có giá trị phán quyết tối cao, đứng trên mọi đảng phái, không một cá nhân, một đảng phái nào, có thể đứng ngoài và đứng trên Hiến pháp và luật pháp được, kể cả người đứng đầu chính quyền và đảng cầm quyền. Dân chỉ thực sự làm chủ khi được tự do sinh họat trong một xã hội như thế.

Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam hãy chứng tỏ bản lãnh chính trị và tầm nhìn thời đại để thay đổi triệt để và cỗi gốc, để từ bỏ độc tài đảng trị và chấp nhận Dân chủ Pháp trị.

Việc đầu tiên là chấp nhận một lộ trình dân chủ hóa. Dù công bố hay không, bước đầu tiên trong lộ trình này là thả tất cả những tù nhân đang bị giam giữ hay quản chế vì lý do tư tưởng, chính trị và tôn giáo. Bước tiếp theo là hủy bỏ các điều khoản trong Bộ Luật Hình sự và các Luật khác mà từ trước đến nay vẫn được sử dụng để đàn áp, bắt giữ những người bất đồng chính kiến.

Sau đó, ngưng bắt giữ những người phát biểu, một cách ôn hòa bất bạo động, các ý kiến khác biệt với đảng và nhà nước cộng sản. Cuối cùng là ban hành các đạo luật cho phép người dân thành lập các tổ chức chính trị và dân sự, và được họat động công khai hợp pháp, như là tiếng nói đối lập với Đảng Cộng sản đang cầm quyền.

Lộ trình dân chủ, với những bước đi tuần tự và cụ thể như thế, sẽ tạo ra một bầu khí văn hóa chính trị mới, gây phấn chấn cho mọi người Việt, khơi dậy sức sống và sức sáng tạo cho toàn dân trong mọi lãnh vực họat động xã hội, nhất là trong những lãnh vực mà đến nay vẫn hết sức nghèo nàn, sơ cứng vì bị đảng kiểm sóat chặt chẽ.

Việc đảng Đảng Cộng sản Việt Nam thực thi một lộ trình thay đổi chính trị ôn hòa công khai như thế là điều mà những người Việt quan tâm trong và ngoài nứơc hằng mong đợi, để đất nước và nhân dân sớm chuyển mình sang giai đọan cất cánh. Nhưng cũng rất nhiều người không tin rằng ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam muốn và dám làm như thế.

Không muốn vì nó có thể dẫn đến hậu quả là đảng mất quyền vì không được đa số nhân dân tín nhiệm. Không dám vì để thực hiện được điều này ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay phải vượt qua được chính mình, được chính nỗi lo sợ mất những đặc quyền đặc lợi hiện đang chiếm giữ.

Đảng chỉ dám chỉnh đốn đảng của mình. Nhưng chỉnh đốn chỉ là vô hiệu bởi không thể vừa đá bóng vừa thổi còi, vừa sản sinh ra sâu lại vừa tự diệt sâu, lấy bầy sâu diệt từng con sâu.

Sâu được sản sinh ra và nuôi dưỡng bởi chính hệ thống độc quyền, đặc quyền đặc lợi. Muốn trừ sâu cần chấm dứt độc quyền, cần để xuất hiện những cơ cấu nằm ngoài và độc lập với các cơ cấu của Đảng và Nhà nước.

Các cơ cấu độc lập này phải được bảo vệ bằng luật pháp công minh của hệ thống pháp trị. Thiếu những cơ cấu đó chỉnh đốn chỉ là biện pháp xoa dầu cho người sắp chết, như chính ông Truơng Tấn Sang đã cảnh báo: “Một bầy sâu là ’chết’ cái đất nước này”.

Nhưng liệu ’bầy sâu’ của Đảng Cộng sản có làm ’chết’ cái đất nước này hay sẽ làm chết Đảng?

Một đất nước và một dân tộc đã không bị diệt vong, dù 1000 năm nô lệ Tàu, dù 100 năm đô hộ Tây thì chắc chắn sẽ biết vươn mình đứng dậy, rũ sạch mấy chục năm đảng trị, để phục sinh, tồn tại và tiến hóa, đến vô cùng.

Như đã thế và tất nhiên phải thế. Vì đó là dân tộc Việt.

 

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2012/02/120227_party_rectifying.shtml