Các nước đã phá bỏ nhiều thủy điện

Tiêu chuẩn

Các nước đã phá bỏ nhiều thủy điện

 

-Nhìn lại những nước phát triển ở Châu Âu, họ không chỉ xây dựng đập thủy điện mà còn xây đập tưới tiêu nước rất nhiều từ thế kỷ trước. Lợi ích của những đập đó không bù được những tác hại mà chúng gây ra.

LTS: Diễn đàn Quốc hội ngày đầu chất vấn lại nóng với những câu hỏi về thủy điện xả lũ, nhưng chưa có câu trả lời thỏa đáng.  Tại Diễn đàn Khu vực về Con người và Rừng diễn ra ngày 19 – 20/11 tại Bangkok, Thái Lan, các nhà khoa học và chuyên gia cũng đang đặt những câu hỏi: con người chịu trách nhiệm như thế nào trong những thảm hoạ thiên nhiên?

Bên lề sự kiện, Tuần Việt Nam đã trò chuyện cùng Tiến sĩ Nguyễn Quang Tân, Điều phối viên Chương trình Quốc gia Chương trình Việt Nam của tổ chức RECOFTC (Regional Community Forestry Training Centre)

Châu Âu và Mỹ đã phá nhiều đập thủy điện

Dư luận đang bức xúc vì vấn đề các nhà máy thuỷ điện xả lũ khiến vùng hạ lưu ngập lụt, gây thiệt hại cả về sinh mạng và tài sản của người dân. Đã có nhiều ý kiến về vấn đề chúng ta phát triển thuỷ điện ồ ạt khiến môi trường sinh thái bị ảnh hưởng, rừng và nguồn nước bị ảnh hưởng; đặc biệt vấn đề xả lũ nguy hiểm. Suy nghĩ của ông về vấn đề này?

Phát triển thuỷ điện ở Việt Nam có hai vấn đề đáng quan ngại.

Một là, quy hoạch thuỷ điện thiếu sự tham gia vấn của cộng đồng và những người bi tác động. Chúng ta cứ thấy mô hình nào các nước khác sử dụng hiệu quả là chúng ta quy hoạch xây dựng mà không có sự tham gia của những con người và cộng đồng sinh sống trong vùng được quy hoạch.

thủy điện, xả lũ
TS Nguyễn Quang Tân. Ảnh: Hoàng Hường

Việt Nam đã tham gia công ước về quyền của người bản địa (UNDRIP), trong đó có quyền FPIC đòi hỏi phải có sự đồng thuận của người dân trong vùng được quy hoạch trước khi dự án được phê duyệt; hay ít nhất cũng phải có sự tham vấn với người dân trong vùng bị ảnh hưởng. Đó là điều cực kỳ cần thiết, nhưng lại chưa được làm một cách có hệ thống.

Thứ hai là, thuỷ điện đã phá vỡ hệ thống sinh thái rất nhiều. Tôi đã nhìn thấy nhiều nơi, sau khi xây dựng thuỷ điện xong; cánh rừng đẹp đẽ biến mất và thay vào đó là những khu đất trống hoặc bị sạt lở.  Câu hỏi đặt ra là: thực sự lợi ích thuỷ điện mang lại có bù đắp được những mất mát mà nó gây ra hay không?

Nhìn lại những nước phát triển ở Châu Âu, họ không chỉ xây dựng đập thuỷ điện mà còn xây đập tưới tiêu nước rất nhiều từ thế kỷ trước. Kinh nghiệm của họ trong hàng trăm năm nay cho thấy rằng lợi ích của những đập đó không bù được những tác hại mà chúng gây ra, cả tác hại tới kinh tế cộng đồng và môi trường sinh thái. Môi trường sống của thuỷ hải sản bị thay đổi hoàn toàn, kéo theo tác động tới cây trồng và động vật.

Hiện nay Châu Âu cũng như Mỹ đã phá bỏ rất nhiều đập thuỷ điện.

Quay trở lại vấn đề của Việt Nam hiện nay, liệu có phải chúng ta đang lặp lại sai lầm của các nước phát triển đã gặp phải cách đây hàng trăm năm và đang hứng chịu hậu quả.  Ta có nên dẫm phải vết chân của họ hay không?

Những cái chúng ta gọi là đem lại thu nhập kinh tế trong thời điểm trước mắt lại đang khiến chúng ta phải trả giá bằng chính kinh tế, và bằng hậu quả sinh thái môi trường cho chính thế hệ chúng ta và con chúng ta.

Câu hỏi hiện nay rất nhiều người đặt ra là thuỷ điện tác hại đến môi trường đã quá rõ ràng qua đợt lụt vừa qua. Chúng ta không cần tranh cãi thêm về vấn đề này nữa.

Thủy điện không nên là duy nhất

Có nhà khoa học đã đặt ra những vấn đề lớn hơn quanh chuyện thủy điện như an ninh nguồn nước và nguy cơ xung đột giữa các quốc gia và các cộng đồng. Thực tế gần nhất là đã có những mâu thuẫn về việc xây dựng thuỷ điện trong các nước thuộc cộng đồng sông Mekong.  Vấn đề đặt ra là, ngoài thuỷ điện thì chúng ta có cách lựa chọn nào khác không, khi rõ ràng nhu cầu về năng lượng của mọi quốc gia ngày càng lớn. Việt Nam cũng không ngoại lệ?

Thực ra tôi không hề có ý nói chúng ta không nên làm thuỷ điện. Không nên cực đoan như vậy.

Vấn đề là chúng ta phải có cách quy hoạch nào cho phù hợp, chọn những khu vực nào có hiệu quả kinh tế tối đa mà mức tác động ở mức thấp nhất có thể.  Tôi không có ý định nói chúng ta phải xoá bỏ hết thuỷ điện. Chúng ta không thể phát triển kinh tế – xã hội mà thiếu điện, đó là điều đương nhiên.

Tuy nhiên nên cân nhắc những lựa chọn khác như điện gió, mô hình khá phát triển ở Châu Âu. Chúng ta có bờ biển dài, rất giàu năng lượng gió và nắng, điều kiện làm điện gió và điện mặt trời là khả thi. Thuỷ điện không phải và không nên là lựa chọn duy nhất.

Rõ ràng, bảo đảm tính mạng và sự an toàn của người dân vẫn nên là ưu tiên hàng đầu phải không thưa ông? Vậy tiếng nói của người dân có vai trò gì trong các quyết định đầu tư hiện nay?

– Nhất định phải tham vấn người dân trước khi xây các công trình thuỷ điện.

Không thể áp đặt xây dựng công trình mà không tính đến ảnh hưởng tới cuộc sống và điều kiện của người dân. Phải có những chính sách đền bù hợp lý.

Thứ hai nhất định phải nghiêm túc khắc phục hậu quả mà thuỷ điện gây ra cho người dân, đặc biệt như mấy vụ lũ lụt vừa qua. Công tác phòng ngừa là vô cùng quan trọng. Nếu chúng ta có sự chuẩn bị kỹ càng, chắc chắn không có hậu quả tệ hại như vừa qua, hoặc nếu có thì ảnh hưởng cũng giảm đi rất nhiều.

Có vẻ, lâu nay ta mới tập trung vào các tác động môi trường, phần tác động xã hội chúng ta cần phải chú trọng và làm tốt hơn nữa.  Khỏi rơi vào tình trạng khi việc xảy ra rồi chúng ta lại ngồi nói rằng: giá như ta đã làm khác đi.

Sự kiện thuỷ điện xả lũ rõ ràng đã gây ra ‘tác động xã hội’ sâu sắc, nhưng có vẻ như cả Quốc hội và các ban ngành đều đang loay hoay tìm ra những cá nhân nào, tổ chức nào phải đứng ra chịu trách nhiệm về vấn đề này. Ông có cho rằng trong hệ thống chính sách của có điểm nào còn thiếu sót hay không hợp lý chăng?

Việc cần làm bây giờ là tìm ngay những giải pháp khắc phục, tránh sự việc tiếp tục xảy ra trong tương lai

Chúng ta đã có những chính sách về môi trường và xã hội. Chúng ta cũng đã có những yêu cầu về trách nhiệm và xã hội đối với những công ty, doanh nghiệp.  Tuy nhiên công tác theo dõi thực hiện những chính sách xã hội đó như thế nào? Ai là người đánh giá những dự án như vậy đã đáp ứng được các yêu cầu hay chưa thì hiện nay chúng ta chưa có.

Tiến sĩ  Don Gilmou, chuyên gia rừng và cộng đồng, Australia, Học giả danh dự của RECOFTC:

Việc xây đập trên các dòng sông luôn là vấn đề được cân nhắc nhiều, vì nó không chỉ tác động đến dòng chảy, mà cả chất lượng nước, môi trường sinh thái và các cộng đồng liên quan.

Việc xả nước ở các đập khi mức nước lên cao trước hết là để bảo vệ con đập đó khỏi nguy cơ bị vỡ, nhưng việc xả nước này đương nhiên tạo ra những nguy cơ cho khu vực thấp. Đó là một trong những vấn đề của ngành công nghiệp năng lượng mà nhiều chuyên gia đang phải lo ngại. Không chỉ ở Việt Nam, mà ở nước Australia của tôi và đâu đó trên thế giới cũng đang phải đối mặt.

Nếu việc xả nước hay bất kỳ việc gì khác nếu đe doạ đến sự an toàn của cộng đồng hay một người nào thì hẳn cộng đồng đó phải được đưa ra phương án bảo vệ.

Khi quyết định xây dựng một công trình hay một con đập, những người thực hiện phải hình dung ra những tác động và rủi ro, và đối tượng chịu tác động để bảo vệ.

Tôi nghĩ vấn đề ở đây nằm ở những tính toán và chính sách đi kèm với công trình thuỷ điện và vấn đề kết nối thông tin giữa các bên.

  • Hoàng Hường 

Bình luận về bài viết này