Tag Archives: Phương Bích

Cái chúng ta cần bây giờ là một lá cờ khác

Tiêu chuẩn

Cái chúng ta cần bây giờ là một lá cờ khác

Phương Bích

103_buc-anh-hai-nguoi-linhTôi tặng những dòng tâm tư này cho blogger AnhVu của Vũ Thị Phương Anh. Đọc những ký ức buồn của chị, tôi cảm thấy có chung một niềm đồng cảm sâu sắc với những người ở phía “Thua toàn tập”. Đó là nhân dân chứ chẳng phải một thế lực chính trị nào khác như có người từng nói. Và tôi, chị đều là những người thua cuộc.

 30/4 – Với tôi, từ rất lâu đó chỉ là ngày nghỉ. Không phải tôi lãng quên những người đã chết trong cuộc chiến tranh này, cho dù họ là người lính hay dân thường,miền Nam hay miền Bắc. Hồi còn bé, tôi đọc “Hội chợ phù hoa” và nhớ một đoạn văn đại ý nói rằng, trong một cuộc chiến, khi người lính này đâm lưỡi dao vào ngực đối phương, thì cũng đồng thời đâm lưỡi dao đó vào ngực một người mẹ ở bên kia chiến tuyến. Thế nên tôi sớm có cái nhìn khác về những người ở “phía bên kia”. Thực lòng tôi vui mừng khi người ta nói sẽ không có tắm máu.

 Chiến tranh kết thúc không có nghĩa là đau khổ đã chấm dứt. Nó rẽ sang một ngả đau thương khác. Đúng là không có tắm máu. Nhưng người ta không chết ngay bởi súng đạn, mà là chết từ từ. Cái chết này còn kinh khủng hơn nhiều. Sau này khi cuốn “Bên thắng cuộc” của nhà báo Huy Đức ra đời, một người bạn trên facebook đọc đến chương “Thăm nuôi” thì nghẹn ngào thốt lên: Ui! Bao nhiêu kỷ niệm đau thương ùa về. Tiếng kêu của bạn tôi như một vết cứa vào lòng.

 Tôi có đọc một vài cuốn truyện như “Người có trái tim chó” của Nga, “Sống chết ở Thượng Hải”, “Báu vật của đời” của Trung Quốc, “chuyện làng Cuội” của Việt Nam. Dường như cách hành xử của người công sản ở nước nào cũng giống nhau cả. Tôi không lạ, nhưng chắc chắn không biết được hết, cũng không thể cảm nhận được những gì mà con người vẫn còn phải chịu đựng sau chiến tranh. Không có cách gì lý giải được việc sau chiến tranh, lòng người còn tan hoang hơn cả đất nước bị tàn phá bởi bom đạn. Không chỉ người miền Nam tiếp tục rời bỏ quê hương, mà người miền Bắc cũng ra đi.

 Tôi không có ý định kể lại chuyện quá khứ. Nhiều người cũng đã muốn khép lại nó. Người ta nói nhiều hơn đến hòa giải hận thù giữa bên “Thắng” và “Thua”. Nhưng thực khó khi cả hai bên vẫn còn không ít nhiều người chưa thực sự mở lòng. Bên “Thua” nhất định giương lá cờ 3 sọc, đòi xóa bỏ chế độ cộng sản đang thống trị,. Bên “Thắng” tệ hơn, cứ gần đến ngày 30/4 hàng năm là toàn bộ hệ thống truyền thông lại ra rả ca ngợi “chiến thắng”.

 Có người bảo, tôi chả thích cả cờ đỏ sao vàng lẫn cờ vàng ba sọc. Cái chúng ta cần bây giờ là một lá cờ khác. Tôi cũng nghĩ như vậy, cần có một màu cờ khác để dung hòa hơn là cứ ngồi tranh cãi nhau cho đến chết. Việc kẻ đang khua chiêng gõ mõ chưa hẳn là để khoe mẽ mà có khi chỉ là che giấu nỗi sợ hãi nào đó ở bên trong.

 Đôi khi để hòa giải, người ta không cần cả những lời xin lỗi hay tha thứ ?

 hòa giải

 

Đỏ Trắng Vàng, màu của hòa giải dân tộc trong tinh thần yêu thương và tha thứ, thể hiện tinh thần Bác Ái, Tự Do và Cao Thượng.

Hòa giải dân tộc cũng là chuyện của người Việt trong nước

Tiêu chuẩn

Hòa giải dân tộc cũng là chuyện của người Việt trong nước

Phương Bích

imagesHôm đọc bài thơ “Đất nước, những năm tháng thật buồn” của bác Nguyễn Khoa Điềm, tôi nghĩ bác ấy đã nói hộ tâm tư của không ít người, trong đó có cả tôi.

Bấy lâu nay tôi cũng như nhiều người chỉ biết than thở với bạn bè, mượn câu trong bài học ngày xưa, rằng chúng ta “sinh ra phải thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi gian nan”. Những tưởng chiến tranh qua lâu rồi thì đất nước thái bình, yên vui, cuộc đờisẽ ấm no hạnh phúc. Vậy mà hễ cứ “mở mắt” ra là thấy tin cướp, giết, hiếp. Lên mạng nghe toàn chuyện buồn như đâu đâu cũng thấy dân bị cưỡng chế đất sinh nhai, đi kêu oan bị bỏ tù. Chuyện dân bị công an đánh chết cả ngoài đường lẫn trong đồn. Chuyện công an ngang nhiên nhận mãi lộ. Chuyện người ta đua nhau chạy dự án làm công trình thế kỷ này nọ để kiếm lời, bỏ qua chuyện không xa thủ đô, dân vẫn phải qua sông bằng đò kéo dây. Người nghèo ở các vùng sâu nghèo không thể nghèo hơn… Ti tỷ những nỗi buồn.

Ngẫm ra người Việt Nam mình đi ra ngoài thế giới cũng đâu có kém cỏi gì, vậy sao lại bất lực ngay trên quê hương mình đến thế? Trước còn đổ tại chiến tranh liên miên khiến đất nước kiệt quệ, không thể phục hồi ngay được. Giờ chiến tranh kết thúc đã quá lâu, đất nước có bị tàn phá cũng không thể tàn khốc hơn Nhật Bản sau chiến tranh. Vậy mà ì ạch mãi vẫn chưa thoát nghèo. Có những số phận tưởng chừng như có độc lập hay không độc lập chả khác gì nhau, không thấy ấm no và hạnh phúc hơn chút nào.

Đâu phải không có câu trả lời. Có quá nhiều giải pháp được đưa ra, nhưng nếu như con người ta có thể tự do lựa chọn cho mình thì chả phải bàn. Không biết có ai ít nhất một lần trong đời, chưa từng đặt ra cho mình một câu hỏi, là tại sao ta lại không được quyền tự do chọn lựa không?

Ai cũng hiểu phương pháp bẻ bó đũa. Một trong những giải pháp để đất nước lớn mạnh là tất cả người Việt cũng phải trở thành một bó đũa lớn như thế. Vì vậy, tư tưởng xóa bỏ hận thù đã được manh nha từ lâu ngay trong lòng thế hệ người Việt lớp trước. Một bài học lớn về lòng vị tha của người Mỹ đối với nhau sau chiến tranh. Một bài học khác về sự tàn ác, vô nhân đạo giữa con người với con người là cách mạng văn hóa ở Trung Quốc. Hai bài học đó quá đủ cho dân ta nhận thấy, con đường nào mình nên chọn.

Thưc ra sau chiến tranh, không phải tất cả người Việt ở 2 phía đều căm thù nhau. Nếu không có chuyện phân biệt kẻ thắng người thua, không có chuyện “trừng phạt” dẫn đến thảm cảnh hàng triệu người Việt Nam phải rời bỏ quê hương, gây nên oán thù suốt mấy chuc năm qua làm chia rẽ lòng người, thì nước Việt ta biết đâu sẽ lớn mạnh chả kém gì nước Nhật, hay Mỹ?

Chuyện hòa giải không còn là của riêng người Việt trong nước và người Việt tha phương, mà chính người Việt trong nước cũng cần hòa giải với nhau. Nếu không cố gắng tìm tiếng nói chung, vô hình chung chúng ta càng đẩy mình ra xa nhau.

Đây hoàn toàn không phải là sự thỏa hiệp. Ít nhất đã có nhiều người ở cả hai phía của cuộc chiến trước đây, giờ trở thành bạn bè thân thiết qua mạng. Họ đều có chung một khao khát cho đất nước, sau ngần ấy năm đau khổ vì chiến tranh và ly tán, nay phải được bình yên và hạnh phúc. Tôi tin chả có thế lực thù địch nào bên ngoài, nguy hiểm bằng chính sự tha hóa ở bên trong đang làm mục ruỗng đất nước mình.

Trên mạng mới đây xuất hiện một clip do một nhóm trẻ thực hiện, nói về sự hòa giải. Ý nghĩa tích cực của clip này rất đáng được lắng nghe. Chắc chắn nhiều người sẽ rất mừng khi thấy lớp thanh niên ngày nay, vẫn còn nhiều người đang sống có trách nhiệm với tương lai như thế.

*Chuyện ngoài lề:

Hôm sang Văn Giang nhân kỷ niệm một năm cưỡng chế đất (ngày 24/4), trời rất nắng. Tôi đang kêu nóng quá thì mấy bà mấy bác bảo, ăn thua gì, năm ngoái khi cưỡng chế còn nắng nóng hơn thế này. Thế mà “bọn nó” phải mặc áo giáp dày hự chạy hùng hục trong làng, mồ hôi mồ kê túa ra đầm đìa.

Tôi cười bảo, thực ra họ cũng khổ chứ chả riêng dân mình. Có oán là oán cái kẻ ra lệnh, chứ bản thân họ cũng chẳng có sơ múi gì từ mảnh đất này. Còn đương nhiên cũng có những kẻ có máu côn đồ trong đó, mới có gan đánh đập bà con nông dân mình như thế chứ.

Mấy bà mấy bác đều bảo, ừ đúng rồi, chúng nó cũng chỉ là thằng lính thôi.