Tag Archives: Ngô Bảo Châu

GS Ngô Bảo Châu bàn về thần tượng, sự tha hóa

Tiêu chuẩn

GS Ngô Bảo Châu bàn về thần tượng, sự tha hóa

 

Buổi gặp gỡ với sinh viên (SV) tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chiều 13/3 – GS Ngô Bảo Châu đã dành hơn 1 giờ tâm sự và trao đổi về nhiều vấn đề nóng như: thần tượng, học chữ-học làm người, niềm đam mê khoa học và không quên nhắc lại sự kiện Đồi Ngô.

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/112699/gs-ngo-bao-chau-ban-ve-than-tuong–su-tha-hoa.html

 

 

GS Ngô Bảo Châu trong buổi nói chuyện với SV tại Trường ĐH Bách Khoa HN chiều 13/3.

 

Bàn về nhân cách con người GS cho rằng: “Nhiều khi chính những quan niệm phiến diện của xã hội lại làm hỏng đi động cơ mà bản chất của nó là thuần khiết….”

Quan niệm xã hội không phải cái duy nhất làm hỏng đi sự hướng thượng hướng thiện. Những việc khác như tôn thờ cá nhân, có thể là lãnh tụ (ví dụ lãnh tụ Hồ Chí Minh và các lãnh tụ ở các nước độc tài), cầu thủ bóng đá, ca sĩ Hàn Quốc là sự tha hóa của sự hướng thượng.

GS Châu nêu quan điểm: “Gần đây có nhiều người đặt vấn đề học chữ hay học làm người, hoặc giữa hai vấn đề cái nào trước cái nào sau. Câu hỏi này thực ra tối nghĩa. Học chữ là tiếp thu kiến thức thì đã rõ. Nhưng học làm người là như thế nào? Hẳn có nhiều cách để hiểu khác nhau…”

Vị GS đề cao vai trò giáo dục của gia đình, bố mẹ như tấm gương để đứa trẻ soi vào trong hình thành nhân cách sau này.

Chia sẻ về việc học, GS nhấn mạnh, các bạn SV cần tổ chức học nhóm để khai thác bài giảng miễn phí trên Internet, sau đó dành thời gian giải thích thêm, cuối cùng là tổ chức thi cử nghiêm túc.

Không quên nhắc đến sự kiện giáo dục trong năm 2012, GS chia sẻ: ‘Đã có rất nhiều người chỉ ra vấn đề lớn nhất là mức độ tha hóa của hệ thống, Nếu chỉ nêu một vấn đề để nói là sự tha hóa của hệ thống, xin quay lại sự kiện Đồi Ngô.

Đây là một sự kiện vô cùng đặc biệt. Thí sinh quay phim giám thị vi phạm quy chế thi là chưa có tiền lệ trong lịch sử loài người. Nó là liều thuốc cảnh tỉnh về mức độ tha hóa của hệ thống…

Rồi GS liên hệ: “Trường ĐH Chicago nơi tôi làm việc – cái gì là bí quyết thành công của họ? Hiện tại người ta nói lý do thành công là họ giàu, GS giỏi. Nhưng nói như thế là nhầm lẫn giữa kết quả và nguyên nhân”. Sự thành công của đại học này đến từ sự trung thực, kiên quyết nói không với những hành vi gian lận và cực kỳ nghiêm túc.

Cũng trong cuộc trò, GS Ngô Bảo Châu đã dành thời gian trao đổi với các bạn sinh viên về niềm đam mê nghiên cứu khoa học, làm thế nào để giữ ngọn lửa ấy trong những lúc tưởng như vô vọng….

 

 

Lần về Việt Nam này của GS Ngô Bảo Châu theo chuỗi sự kiện “Cầu nối – Cuộc đối thoại hướng đến văn hóa hòa bình” lần thứ tư tại Đông Nam Á do Quỹ Hòa bình Quốc tế tổ chức.

Trước khi giảng bài tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, GS Ngô Bảo Châu đã có gần 1 tuần làm việc với Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán sau thời gian dài đi vắng.

Theo lịch trình, sau khi hoàn thành bài giảng tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, GS Ngô Bảo Châu sẽ có buổi gặp mặt với học sinh Trường Quốc tế Anh; gặp gỡ sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM vào ngày 15/3 và nói chuyện với học sinh khiếm thị vào ngày 16/3 tại TP.HCM.

‘dối trá’ và ‘đớn hèn’ trong “giữ ký ức” của Ngô Bảo Châu

Tiêu chuẩn

Giáo sư Ngô Bảo Châu vừa có bài viết trên trang blog đề cập tới tầm quan trọng của sự thật và hậu quả của việc sống với ‘dối trá’.

Bài ‘Giữ ký ức’ được đặt trong mục ‘độc thoại’ trên blog thichhoctoan.net mở đầu với chuyện người Đức thẳng thắn nhìn vào quá khứ Phát xít đau thương của họ.

 Tác giả dẫn lời một người bạn đã sống hàng chục năm ở Đức kể chuyện học sinh trung học được giao làm bài tập bằng cách đi tìm xem trong khu phố của mình đã từng có người Do thái nào sinh sống và số phận của họ ra sao dưới thời Đức Quốc xã và viết:

“Ký ức về một trong những tội ác kinh khủng nhất trong lịch sử nhân loại cần được làm sống lại, không chỉ qua những trang sách lịch sử, mà cả bởi những ngôi nhà, những khu phố thân quen.

“Cần phải mở toang những cánh cửa cứ muốn khép lên số phận những con người đã từng bị đối xử như súc vật.”

Giáo sư Châu cho rằng “dân tộc Đức là một dân tộc đã trưởng thành, người Đức muốn con mình trở thành thành viên của một dân tộc trưởng thành.”

Ông lý giải tại sao họ “không lờ những gì nhục nhã, chỉ lưu lại lại những gì vinh quang, ngọt ngào”:

“Người Đức có lẽ hiểu rất rõ rằng thức ăn cho tâm hồn con người chính là sự thật.

“Những dân tộc quen nấu sự dối trá cho mình ăn, sẽ dần dần quen với sự bạc nhược, sự đớn hèn của chính mình.

“Thế nhưng người ta vẫn thích nấu sự dối trá cho mình ăn. Vì sự thật nhiều khi không có lợi, hoặc là cứng quá, không tốt cho lợi.”

‘Bóng và Gió’

Giáo sư Ngô Bảo Châu chỉ là người gần đây nhất nhắc tới mối liên hệ giữa sự thật và tính cách cũng như vận mệnh của mỗi con người và cả một dân tộc cho dù ông không nói trực tiếp tới Việt Nam.

Nhà báo Huy Đức, tác giả của bộ sách Bên Thắng cuộc cũng nói về chuyện sự thật cần phải được nói ra cho dù nó có cay đắng tới đâu.

Ông Huy Đức nói sự thật sẽ giúp các nhà lãnh đạo hiện nay tránh mắc lại sai lầm như trong quá khứ và có một hướng đi tốt đẹp hơn cho hiện tại và tương lai.

Trước đó blogger và nhà báo Trương Duy Nhất chỉ trích một số lãnh đạo Việt Nam “hèn hạ” khi phải nói chệch tên ủy viên Bộ chính trị bị đề nghị kỷ luật là “đồng chí X”.

Nhưng nói bóng gió thực ra là một đặc tính của người Việt như nhà báo Robert Templer đã nhận xét trong cuốn sách Bóng và Gió.

“Sự dối trá trong xã hội cộng sản tồn tại như một định chế và được sự bảo kê cần thiết để tồn tại và phát triển.”

Nguyễn Hùng

Nói rộng ra, lảng tránh sự thật hoặc thậm chí dối trá được cho là căn bệnh phổ biến ở các quốc gia cộng sản.

Năm ngoái, báo Pravda, tức sự thật, kỷ niệm 100 năm thành lập với khẩu hiệu có tiếng Mnogo Gazet, Pravda Odna, có nghĩ là ‘Nhiều Báo, Sự thật chỉ một’.

Nhiều nhà báo Nga đã chỉ ra rằng những gì đăng tải trên Pravda phải được đọc với sự thận trọng, những lời khen luôn đáng nghi ngờ và sự chê bai đồng nghĩa với chuyện đối tượng được nhắm tới là người tài.

Sự dối trá trong xã hội cộng sản tồn tại như một định chế và được sự bảo kê cần thiết để tồn tại và phát triển.

Định chế đó nhắm tới cả quá khứ, hiện tại và tương lai.

Nhưng nếu Đảng Cộng sản Liên Xô có thể gợi ý điều gì cho các đảng cựu vệ tinh thì đó chính là sự bảo kê không bao giờ có thể là vĩnh viễn.

Chính ‘Sự thật‘ đã từng chết đi sống lại khi Đảng Cộng sản Liên Xô băng hà.

‘Đẹp đẽ tinh khôi’

Trở lại với blog của Giáo sư Ngô Bảo Châu, ông dành phần cuối để nói về hành trình cùng bà ngoại đi tìm lại căn nhà với cây bàng trước cửa, nơi bà và ông đã quen nhau “khi đi dạy bình dân học vụ” ở làng Bạch Mai, Hà Nội.

Đối với một người từng sống ở Châu Âu cổ kính, vị giáo sư dường như tỏ ý tiếc cho sự phát triển không có tính kế thừa và thiếu tôn trọng quá khứ mà ông chứng kiến trong chuyến đi ngắn ngủi.

Ông viết: “Cái không may nhưng lại là may trong trường hợp của tôi là số bàng còn sống sót cũng không nhiều.

Ông Cù Huy Hà Vũ khi bị đem ra xét xử, ảnh ReutersGiáo sư Châu từng tạm đóng blog sau khi lên tiếng về vụ xử Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ

“Cái nhà giống nhất với những gì bà tôi còn nhớ bây giờ là một hiệu cầm đồ.

“Cả dãy phố đó còn lại một hai cây bàng nhưng có cả chục hiệu cầm đồ. Cái nào cũng giống cái nào, một đống máy vi tĩnh cũ nát, ba bốn cái xe máy lấm bùn.

“…Một vài người nhìn hai bà cháu tôi với ánh mắt thù địch.

“Tự nhiên nảy ra trong đầu tôi có một ý nghĩ vu vơ, nhưng là một sự tiếc nuối vô bờ cho một ký ức đẹp đẽ tinh khôi đã bị mất, để đổi lại hình ảnh bạc nhược của một đống máy vi tính vô hồn cũ nát, của những chiếc xe máy gỉ sét trong tiệm cầm đồ.

“Đành rằng, cầm đồ là một loại hình kinh doanh có lợi.”

Blog của Giáo sư Ngô Bảo Châu đã gây tiếng vang lớn khi ông lên tiếng về vụ xử Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ nhưng ông cũng đã phải tạm đóng blog một thời gian vì các phản ứng dữ dội sau đó.

Ông cũng từng nói trên blog rằng ông không phải là người đi theo lề vì chỉ có “loài cừu” mới làm như vậy.

Hiện Giáo sư Châu tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại University of Chicago nhưng cũng là Giám đốc Viện nghiên cứu cao cấp về Toán ở Việt Nam.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2013/01/130120_su_that_va_phat_trien.shtml

Bài viết của Giáo sư Ngô Bảo Châu :

Giữ ký ức

Một người bạn Pháp, sống ở Đức từ hơn ba chục năm nay, nói với tôi về thái độ dũng cảm của người Đức khi phải đối mặt với ký ức đen tối của dân tộc mình, so sánh với sự thiếu dũng cảm của người Pháp. Bà nói rằng, ở Essen nơi bà sống, vùng bắc sông Ranh, học sinh trung học được giao việc, như bài tập về nhà, đi điều tra trong khu phố nơi mình đang sống đã từng có những gia đình Do thái nào sinh sống, họ đã bị Đức quốc xã bắt đi như thế nào, họ đã chết ở trại tập trung như thế nào. Ký ức về một trong những tội ác kinh khủng nhất trong lịch sử nhân loại cần được làm sống lại, không chỉ qua những trang sách lịch sử, mà cả bởi những ngôi nhà, những khu phố thân quen. Cần phải mở toang những cánh cửa cứ muốn khép lên số phận những con người đã từng bị đối xử như súc vật.

Ký ức đen tối của dân tộc là một nỗi đau qua lớn đối với tâm hồn trẻ thơ. Một đứa trẻ còn ở tuổi cắp sách tới trường không có trách nhiệm với những tội ác mà ông cha nó đã phạm. Liệu có cần thiết hay không khuấy lên cái nỗi đau đó, làm sống lại cái nỗi đau đó qua từng năm tháng, qua từng thế hệ. Tại sao người lớn muốn làm đau trẻ con với ký ức về tội ác xảy ra nửa thế kỷ trước khi chúng ra đời. Tại sao trẻ con không được quyền sống một cuộc sống hồn nhiên, tin tưởng rằng đất nước mình luôn luôn tươi đẹp, cha ông mình không làm điều gì mà mình phải cảm thấy xấu hổ.

Với tôi, lý do ở đây là dân tộc Đức là một dân tộc đã trưởng thành, người Đức muốn con mình trở thành thành viên của một dân tộc trưởng thành. Mỗi người thừa kế từ cha ông mình tài sản hữu hình là nhà cửa, đường sá, tài sản vô hình là thể chế xã hội, là nền tảng đạo đức, tài sản tâm hồn là ký ức cả vinh quang và nhục nhã. Cái làm nên lòng yêu nước chính là việc cùng thừa kế, cùng chia sẻ những tài sản đó, có cái hữu hình, cái vô hình, có cái vinh quang và cái nhục nhã.  Tại sao không lờ những gì nhục nhã, chỉ lưu lại lại những gì vinh quang, ngọt ngào? Người Đức có lẽ hiểu rất rõ rằng thức ăn cho tâm hồn con người chính là sự thật. Những dân tộc quen nấu sự dối trá cho mình ăn, sẽ dần dần quen với sự bạc nhược, sự đớn hèn của chính mình. Thế nhưng người ta vẫn thích nấu sự dối trá cho mình ăn. Vì sự thật nhiều khi không có lợi, hoặc là cứng quá, không tốt cho lợi.

Ông bà ngoại tôi sinh ra ở làng Bạch Mai, người ở giữa làng, người ở cuối làng, gần ngã tư Trung Hiền. Có lần tôi hỏi bà ngoại, làm sao mà ông bà, người ở giữa làng, người ở cuối làng lại gặp được nhau. Ông ngoại tôi đã mất, bà ngoại tôi đã lớn tuổi nên cơ hội cho tôi tìm lại ký ức của mình không còn nhiều nữa. Bà tôi bảo, hôm ấy ông đứng ở gốc bàng dưới phố mà ngửa cổ gọi vọng lên: “Cô Hằng ơi, cô Hằng ơi”. Được một lúc thì cụ thân sinh ra bà ngoại tôi thò đầu ra ngoài cửa sổ mắng: “Cái anh kia, sao cứ đứng giữa đường mà réo người ta thế. Anh gọi con tôi có việc gì?”.Ông tôi trả lời: “Dạ, con chỉ rủ cô Hằng đi dạy bình dân học vụ thôi ạ.” Vậy là ông bà ngoại tôi quen nhau khi đi dạy bình dân học vụ.

Tôi đưa bà ngoại về phố Bạch Mai với hy vọng tìm lại được gốc bàng nơi ông ngoại tôi đứng gọi bà ngoại tôi ngày xưa. Bà tôi cũng chỉ nhớ mang máng số nhà và dáng dấp của ngôi nhà nên chúng tôi phải vòng đi vòng lại mấy lần mà chưa thấy. May mà có cây bàng. Dọc phố Bạch Mai vốn trồng toàn bàng. Cái không may nhưng lại là may trong trường hợp của tôi là số bàng còn sống sót cũng không nhiều. Cái nhà giống nhất với những gì bà tôi còn nhớ bây giờ là một hiệu cầm đồ. Cả dãy phố đó còn lại một hai cây bàng nhưng có cả chục hiệu cầm đồ. Cái nào cũng giống cái nào, một đống máy vi tĩnh cũ nát, ba bốn cái xe máy lấm bùn. Tuy là trưa hè, nhưng người ta vẫn ngồi thành vòng trên hè phố quanh cỗ bài tá lả. Một vài người nhìn hai bà cháu tôi với ánh mắt thù địch. Tự nhiên nảy ra trong đầu tôi có một ý nghĩ vu vơ, nhưng là một sự tiếc nuối vô bờ cho một ký ức đẹp đẽ tinh khôi đã bị mất, để đổi lại hình ảnh bạc nhược của một đống máy vi tính vô hồn cũ nát, của những chiếc xe máy gỉ sét trong tiệm cầm đồ. Đành rằng, cầm đồ là một loại hình kinh doanh có lợi.

http://thichhoctoan.net/2013/01/16/giu-ky-uc/