Tag Archives: Boxitvn

Chế độ dân chủ

Tiêu chuẩn

Chế độ dân chủ

Phan Thành Đạt

Chế độ dân chủ là thể chế chính trị rất tồi, nhưng dẫu sao đó là thể chế ít khuyết điểm hơn cả.

Winston Churchill

Chế độ chính trị là một tổng hợp các yếu tố như hệ tư tưởng, các tổ chức hành chính và xã hội cấu thành nên Nhà nước. Chế độ chính trị biểu hiện bằng tính hợp pháp, cơ cấu của các cơ quan hành chính, đặc điểm các đảng phái chính trị. Có nhiều kiểu chế độ chính trị cùng tồn tại hiện nay như chế độ độc tài, chế độ dân chủ, hay chế độ hỗn hợp. Hệ thống chính trị ở mỗi nước đều có các đặc điểm khác nhau, tuy nhiên thông qua các đặc điểm đó, chúng ta có thể xếp chế độ chính trị của mỗi nước là dân chủ hay độc tài. Trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh (1947-1991), các nhà quan sát so sánh hai hình thái chính trị đối lập nhau: Chế độ dân chủ phương Tây và chế độ độc tài ở các nước xã hội chủ nghĩa. Chế độ dân chủ được xây dựng trên nguyên tắc bẩu cử tự do, tôn trọng tam quyền phân lập, các đảng phái chính trị được quyền cạnh tranh bằng cách cử đại diện ra tranh cử. Chế độ độc tài dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ, một đảng duy nhất có quyền lãnh đạo, các quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp ghi nhận ít khi được tôn trọng. Read the rest of this entry

GS Nguyễn Huệ Chi trả lời phỏng vấn của GS Thomas Engelbert

Tiêu chuẩn

GS Nguyễn Huệ Chi trả lời phỏng vấn của GS Thomas Engelbert

Vừa qua, trong chuyến sang khảo cứu chuyên môn tại Việt Nam, ông Thomas Engelbert, GS Việt học người Đức dạy ở ĐH Hamburg có ghé thăm GS Nguyễn Huệ Chi vào ngày 25-4-2013 chuyện trò về bộ môn Việt Nam học, nhân tiện phỏng vấn người chủ trì trang mạng BVN về một vài vấn đề mà nhiều trí thức nước ngoài hiểu biết về tình hình Việt Nam hiện đang quan tâm. Sau đây là bản ghi vắn tắt những câu hỏi và trả lời giữa hai bên, do phóng viên BVN chấp bút.

Bauxite Việt Nam

 

1) Sự ra đời của trang Bauxite Việt Nam vào năm 2009. Tại sao GS lại được liên can đến một sự kiện như vậy?

 – Trước đó 1 năm chúng tôi đã bắt đầu một thử nghiệm: đó là việc kiến nghị về tập Thơ Trần Dần. Người ta ra lệnh thu hồi tập thơ và như báo TP đưa tin sẽ phải đốt, nghĩa là trở lại kiểu hành xử trung cổ thời CCRĐ và thời mới chiếm SG. 7 người chúng tôi gồm nhà thơ, nhà văn, nhà giáo, nhà văn hóa… quyết lên tiếng ngăn chặn một hành vi vô văn hóa. Tôi cùng nhà thơ Dương Tường và nhà thơ Hoàng Hưng đến đưa kiến nghị tại trụ sở Bộ TTTT, được ông Thư ký Bộ trưởng tiếp. Và kết quả thành công. Tập thơ không bị thu hồi nữa. Ai nấy cùng vui mừng, nhận thấy kiến nghị xã hội xem ra có tác dụng. Read the rest of this entry

So sánh đồng Sinh Quyền với alumina Tây Nguyên

Tiêu chuẩn

So sánh đồng Sinh Quyền với alumina Tây Nguyên

TS. Nguyễn Thành Sơn

Trước ý kiến của ông Trần Xuân Hòa, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam cho rằng “Lo lắng vừa qua của các nhà khoa học về dự án bauxite Tây Nguyên không khác gì lo lắng với dự án Nhà máy đồng Sinh Quyền (Lào Cai) trước đây. Tuy nhiên, thực tế cho thấy dự án có hiệu quả rất tốt, trái với những cảnh báo trước đó”, TS. Nguyễn Thành Sơn đã chỉ rõ những điểm khác biệt của hai dự án để thấy rằng không thể nói dự án Nhà máy đồng Sinh Quyền (Lào Cai) “có hiệu quả rất tốt” thì dự án bauxite Tây Nguyên cũng sẽ có hiệu quả tốt!

Bauxite Việt Nam

So sánh dự án đồng Sinh Quyền và dự án alumina Nhân Cơ (hay Tân Rai) ta thấy các “nét” giống và khác nhau như sau:

Những “nét” giống nhau gồm: cùng là dự án khai khoáng; cùng chủ đầu tư là TKV; cùng nhà thầu Trung Quốc, công nghệ Trung Quốc; và cùng để xuất khẩu. Read the rest of this entry

Hà Nội im lặng khi “chủ trương lớn” phá sản

Tiêu chuẩn

Hà Nội im lặng khi “chủ trương lớn” phá sản

Người Việt

 

Dây chuyền tuyển quặng bauxite tại nhà máy Tân Rai

Dây chuyền tuyển quặng bauxite tại nhà máy Tân Rai

Các chuyên gia lại tiếp tục đề nghị tạm dừng dự án Alumin Nhân Cơ tại Đắk Nông và sớm có kết luận về dự án Tổ hợp Nhôm – Bauxite Lâm Đồng.

 Trong một cuộc hội thảo về “Bauxite Tây Nguyên: Thực trạng, định hướng và kiến nghị”, do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (thường gọi tắt là VUSTA) tổ chức, các chuyên gia khẳng định, nếu tiếp tục thực hiện hai dự án liên quan đến việc khai thác bauxite và chế biến quặng nhôm, Việt Nam sẽ phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt. Read the rest of this entry

Chiến thắng của Dân tộc là chiến thắng của những rô bốt?

Tiêu chuẩn

Chiến thắng của Dân tộc là chiến thắng của những rô bốt?

Đức Thành

Ngày 30/4/2013 vừa qua chương trình thời sự 19h VTV dẫn lời và hình của thiếu tướng Phan Kỳ cho rằng nếu phi chính trị hóa quân đội thì “quân đội ta là đội quân của những người máy”, như thế thì không thể chiến thắng vẻ vang được. Tại buổi toạ đàm góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp ngày 13/3/2013 do báo Quân đội Nhân dân tổ chức cũng với nội dung trên, thiếu tướng cho rằng “phi chính trị hóa quân đội sẽ trở thành đội quân rô bốt vũ lực”. Qua đó ông nhấn mạnh quân đội cần thiết phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam.

Read the rest of this entry

Phân tích và nhận xét dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Tiêu chuẩn

Phân tích và nhận xét dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Vũ Ngọc Yên

Tính chính danh dân chủ và ý nghĩa pháp quyền của Hiến pháp

Hiến pháp (HP) là văn kiện chính trị – pháp lý quan trọng quy định cách tổ chức và điều hành những định chế cơ bản của quốc gia, bảo đảm sự ổn định chính trị – xã hội và chủ quyền quốc gia.

Một bản Hiến pháp có chính danh dân chủ sẽ tùy thuộc:

– Mức độ tham gia và đồng thuận của các tầng lớp nhân dân vào việc làm và ban hành hiến pháp.

– Nội dung HP phải có các điều khoản rõ ràng quy định đảm bảo các quyền tự do và nhân quyền của công dân cũng như xác định tính độc lập và thẩm quyền của các định chế dân chủ và pháp quyền của quốc gia.

Cơ cấu pháp quyền rất cần thiết cho xã hội dân chủ và một nhà nước hoạt động hiệu quả.

Nhà nước pháp quyền dân chủ có nghĩa là:

– Tam quyền phân lập (hành pháp, lập pháp, tư pháp).

– Tôn trọng nhân quyền và dân quyền.

– Công dân được đối xử bình đẳng trước pháp luật.

– Tòa án độc lập.

– Giới hạn và giám sát quyền lực công quyền.

– Đa nguyên chính trị.

– Bầu cử tự do.

– Tự do báo chí, truyền thông và tự do tôn giáo.

Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) đã công bố bản dự thảo Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013). Bản dự thảo gồm Lời mở đầu và 124 điều, khoản được phân chia ra 11 chương. Chương 1: Chế độ chính trị; Chương 2: Quyền con người và nghĩa vụ cơ bản của công dân; Chương 3: Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; Chương 4: Bảo vệ tổ quốc; Chương 5: Quốc hội; Chương 6: Chủ tịch nước; Chương 7: Chính phủ; Chương 8: Tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân; Chương 9: Chính quyền địa phương; Chương 10: Hội đồng hiến pháp, hội đồng bầu cử quốc gia, kiểm toán nhà nước; Chương 11: Hiệu lực của hiến pháp và việc sửa đổi hiến pháp.

 

Đặc điểm dự thảo Hiến pháp nước CHXHCNVN

– Nhà nước CHXHCN do đảng CSVN thành lập:

Điều 2 HP ghi: ‘‘Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân…‘‘. Nhưng đảng lại khẳng định công khai quốc: ‘‘…Đảng Cộng sản Việt Nam …. đã lãnh đạo nhân dân tiến hành Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà (nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam),…‘‘ (Điều lệ Đảng). Như vậy trên thực tế, nhà nước CHXHCNVN là của đảng, do đảng, vì đảng.

– Đảng độc quyền lãnh đạo đất nước và ý thức hệ:

Trong sinh hoạt chính trị, đảng CSVN là chính đảng duy nhất hoạt động hợp pháp.  Và mọi nhận định, mọi chủ trương về triết lý đều phải căn cứ trên thuyết Mác-Lê. Quan điểm này được thể hiện qua điều 4 HP: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội‘‘.

– Không tam quyền phân lập:

Tam quyền phân lập là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của một quốc gia lập hiến. Hiến pháp CHXHCNVN không theo nguyên tắc phân quyền. Đảng nhìn nhận sự phân biệt chức năng giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, nhưng phải duy trì nguyên tắc thống nhất quyền lực nhà nước dưới sự lãnh đạo của đảng. Điều 2 HP qui định: ‘‘…Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp…“, và thêm điều 8 HP: ‘‘Nhà nước tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ“. Theo điều 9 của điều lệ, Đảng CSVN tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Nội dung cơ bản của nguyên tắc đó là: Tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương. Hậu quả của nguyên tắc tập trung dân chủ là không phân quyền bằng những thể thức pháp lý và minh bạch.

– Quốc hội thiếu thực quyền:

Điều 74 HP ghi: ‘‘Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam“. Nhưng điều 4 HP lại khẳng định đảng CSVN là lực lượng lãnh đạo, nên theo
nguyên tắc tập trung dân chủ, Quốc hội phải phục tùng đảng. Trên thực tế, quốc hội với 90% dân biểu đảng viên cộng sản, chỉ là cơ quan thi hành nhiệm vụ thể chế hóa các quyết định của đảng về mọi lãnh vực. Cơ quan quyền lực thực sự là Bộ chính trị đảng CSVN. Tổng bí thư đảng và Thủ tướng là hai chức vụ có quyền thế hơn Chủ tịch nước và Quốc hội. Một Quốc hội có thực quyền phải có quyền truy tố hành pháp (Chủ tịch nước, Thủ tướng, các Bộ trưởng, các thẩm phán và các công nhân viên) đã vi phạm Hiến pháp và luật lệ.

– Biến quân đội, công an, hệ thống hành chánh nhà nước thành công cụ của đảng:

Điều 10 trong điều lệ đảng xác định: “Hệ thống tổ chức của Đảng được lập tương ứng với hệ thống tổ chức hành chính của Nhà nước, và tổ chức cơ sở đảng được lập tại đơn vị cơ sở hành chính, sự nghiệp, kinh tế hoặc công tác, đặt dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh…”, và điều 25điều lệ đảng nêu rõ: “Đảng lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt; sự lãnh đạo của Đảng được tập trung thống nhất vào Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư…“. Nội dung điểm này được chính thức chép lại vào điều 70 HP: “…Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Đảng…“.

– Hiến định hóa Mặt trận tổ quốc:

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một tổ chức quần chúng ngoại vi của đảng CSVN, được hiến định hóa thành bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Điều 9 HP ghi: „Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Mặt trận phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân; tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, cùng Nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, vận động nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức. Đảng áp đặt đưa các tổ chức ngoại vi vào Hiến pháp là nhằm củng cố và hiến tính hóa liên minh ba thành phần „đảng – tổ chức quần chúng – lực lượng vũ trang“ trong chủ trương ngăn chặn mọi tiếng nói, hành động đối kháng, đối lập và sự thành hình các tổ chức công dân độc lập.

– Thiếu cơ chế đảm bảo nhân quyền và dân quyền:

Quyền con người là những quyền gắn liền với nhân phẩm, là những quyền phổ quát, bất khả xâm phạm và bất khả nhượng. Dự thảo HP thừa nhận quyền con người và quyền công dân, nhưng không quy định nghĩa vụ, trách nhiệm thi hành của Nhà nước trong việc bảo vệ các quyền cơ bản đó. Thậm chí, còn tìm cách giới hạn bằng các luật lệ và quy định một cách tùy tiện. Điều 16 HP: „không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác„.

Về quyền tự do tôn giáo, dự thảo HP vừa ban phát vừa nhắc nhở: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật…“ (điều 25 HP).

Dân quyền được ghi vào điều 26 HP: „Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật…“.

Nói chung, các quyền con người, và quyền công dân chỉ được liệt kê trong dự thảo HP cho có lệ, chứ không có chủ đích đặt ra những cơ chế đảm bảo thực thi.

 

Kết luận

Tổng quát, nội dung dự thảo HP không đáp ứng được những tiêu chuẩn tối thiểu trên phương diện dân chủ và pháp quyền. Ngày nào đảng còn duy trì độc quyền lãnh đạo, độc tôn ý hệ và không chấp nhận tam quyền phân lập thì Việt Nam còn lâu mới trở thành một quốc gia lập hiến. Như vậy việc sửa đổi HP chỉ nhằm các mục đích:

– Tái lập chính danh lãnh đạo đất nước vốn đã mất trong hàng thập niên qua.

– Trấn an khuynh hướng bảo thủ là đảng trước sau vẫn kiên trì khẳng định chính sách ba không: Không chấp nhận đa nguyên ý hệ; không chấp nhận đối lập chính trị; không chấp nhận chính đảng ngoài đảng CSVN.

– Dùng Hiến pháp để thể chế hóa liên minh ba thành phần „Đảng – Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – Lực lượng vũ trang„.

Vũ Ngọc Yên

http://www.boxitvn.net/bai/45687

Chiếc áo giáp cho quỷ dữ

Tiêu chuẩn

Chiếc áo giáp cho quỷ dữ

Hoàng Anh

Thoạt nhìn, chuyện đề xuất dự thảo cho phép công an được phép bắn vào người chống đối không ăn nhập gì với việc đặt ra chuyện “sửa đổi Hiến pháp”. Cũng có người nói đây là cách tung hỏa mù để người dân và dư luận bức xúc, đặng quên đi những chuyện lùng bùng xung quanh nỗ khẳng định vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản. Dự đoán như vậy có thể đúng, cũng có thể chưa chuẩn. Nhưng cả hai việc, một ở tầm vĩ mô, một ở tầm cụ thể, đều thể hiện một điều hết sức rõ ràng: Trong một xã hội mà luật pháp không thực sự được coi trọng, luật chơi thường được quyết định bởi kẻ mạnh.

Hiến pháp vốn dĩ không phải là thứ có thể tùy tiện đưa lên đặt xuống để thêm bớt vài điều theo ý chí và sự tùy hứng của một phe nhóm. Hiến pháp, về bản chất, là sự thể hiện quyền lực và lợi ích quốc gia, thể hiện ý chí của những chủ nhân của nó: Nhân dân. Quyền lực nhà nước, không gì hơn chỉ là một quyền phái sinh, một thứ chỉ có được khi những chủ nhân của quốc gia quyết định hy sinh từ quyền năng tự nhiên và tuyệt đối của họ một phần tự do để đổi lại sự bảo vệ trên cơ sở công bằng khỏi những sự tấn công bản năng. Có thể hình dung rằng: nhân dân là chủ nhân, là cha mẹ sinh ra quyền lực và phó thác nó vào một đứa con chung là Nhà nước. Do sự nhượng đắp của nhiều người, dĩ nhiên đứa con có tầm vóc và sức khỏe hơn mỗi cha mẹ của nó.

Tuy nhiên, tùy thuộc vào sự thông thái, cha mẹ có thể tiên lượng trước rằng sự tùy tiện khi đứa con chung sử dụng quyền lực sẽ là thảm họa cho họ và cho chính nó. Ở một số nơi, người ta buộc đứa con phải ký vào một khế ước để đảm bảo quyền phế truất và thu hồi lại quyền phái sinh đã cho đi. Khế ước đó chắc chắn rằng: Với quyền lực được tạo ra từ quyền năng tự nhiên của loài người, Nhà nước chỉ được phép làm những gì nó được cho phép. Ngược lại, bằng quyền năng tự nhiên, cha mẹ của nhà nước sẽ chỉ không can thiệp vào quá trình thực thi nghiêm túc của Nhà nước. Nhưng giới hạn đó là duy nhất. Nếu sự nghiêm túc đó bị coi thường, đồng nghĩa khế ước bị vi phạm, Nhà nước phái sinh sẽ bị tiêu diệt. Điều này hình thành nên quy luật kinh điển của nền Pháp quyền: “Nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật CHO PHÉP. Người dân được làm tất cả những gì pháp luật KHÔNG CẤM!”.

Nhưng xã hội loài người không luôn tuân theo một khuôn mẫu một cách dễ dàng. Quái thai của một loại nhà nước là những kiểu chính thể độc tài, toàn trị. Đó là khi đứa con hoang tưởng về sức mạnh của mình. Nó say mê quyền lực khi so sánh nó với mỗi người dân đơn lẻ. Và khi không bị ràng buộc, nó tự hào về cơ thể tráng kiện của mình và chắc chắn rằng, gã nông dân luộm thuộm kia không phải là cha mẹ nó. Bằng cách áp đặt, nó bắt gã lại, hoặc giết gã đi. Những biến dị khác tạo nên tính quái thai của các hình thái nhà nước mà quyền lực tối cao nằm trong tay một hay một nhóm người. Và tất cả biểu hiện dễ nhận thấy là nó thường chà đạp lên các giới hạn mà lẽ ra nó phải tôn trọng.

Quá trình làm và sửa Hiến pháp của ViệtNamđược thực hiện bởi Đảng Cộng sản rõ ràng là một kịch bản kinh điển của tình trạng con bức tử cha mẹ vì tin rằng không ai đẻ ra nó ngoài nó. Một Hiến pháp không bao giờ được thực hiện bởi Quốc hội mà không tuân thủ những nguyên tắc nhất định. Hiến pháp, thêm nữa, chỉ có thể được làm ra trên nguyên tắc thỏa thuận, nghĩa là hai bên đều được ngồi vào đàm phán ở một vị thế ngang bằng, và hiểu rõ mình có thể được gì và mất gì trong quá trình đó. Do vậy, việc lấy ý kiến đóng góp dựa trên một bản dự thảo “bất di bất dịch” là điều không công bằng. Thêm nữa, không ở một quốc gia có pháp luật thượng tôn nào mà việc sửa đổi Hiến pháp được thực hiện từ một nghị quyết do một đảng cầm quyền ấn xuống, từ một nghị quyết của một quốc hội bù nhìn, và bởi một nghị quyết của chính phủ là công cụ của chính đảng cầm quyền đó.

Đảng phái, tự bản chất của nó, không bao giờ đại diện và đủ khả năng đại diện cho quyền lực. Mối tương quan giữa đảng phái, chính phủ và quốc gia rõ ràng cũng không phải là một logic hợp lý theo cách áp dụng ở ViệtNam. Và chuyện một đảng phái đại diện cho quyền lợi của một quốc gia càng là một chuyện không tưởng và lố bịch. Bởi vì một nguyên do thật đơn giản: có chung mục đích và quyền lợi thì người ta mới trở thành một nhóm hoặc một đảng. Và khi được gọi là một đảng (ví dụ Đảng Cộng sản) tự nó đã tách biệt lợi ích với phần còn lại. Có nghĩa là, cho đến khi nó còn tên gọi, vẫn luôn luôn và song hành tồn tại các nhóm lợi ích khác. Sự tách biệt này phản ánh xu hướng xung đột luôn luôn có thể xảy ra. Đảng phái cũng là thứ luôn theo đuổi các lợi ích của mình, nên nếu nó sáp nhập quyền lực nhà nước vào làm công cụ để kiếm tìm lợi ích, thì quyền lợi của các nhóm khác tự khắc sẽ bị triệt tiêu hoặc bắt giam. Đây là sự lưu manh hóa, lợi ích nhóm hóa quyền lực.

Như vậy, nếu như đảng phái theo đuổi một mục tiêu lợi ích và có tham vọng riêng biệt thì nó không thể đồng nhất với Chính phủ, và nhất là không đồng nhất với Lợi ích quốc gia. Lợi ích quốc gia là thứ lợi ích đảm bảo và chia sẻ cho mọi thành viên trong quốc gia đó, bao hàm cả lợi ích của cái đảng kia. Trong bối cảnh đó, Chính phủ luôn là một công cụ đảm bảo rằng nó duy trì được trật tự xã hội sao cho mọi đảng phái, mọi người dân đều có một vị thế công bằng trong công cuộc theo đuổi các lợi ích của riêng mình. Và cho đến khi cái Chính phủ được lập ra vẫn giữ được tính trung lập (nó có thể bị chi phối bởi nhóm lợi ích lớn nhất) trước lợi ích của các nhóm, sự vận hành của nó vẫn buộc phải tuân thủ những giới hạn mà đại diện của quyền lực tuyệt đối (đại diện của nhân dân, là Nghị viện hoặc Quốc hội) và bản thân sự giám sát của Xã hội dân sự (thông qua báo chí, truyền thông tự do) đặt ra.

Thật khó mà lý giải được tính có lý của việc áp đặt vị thế của một đảng có xu hướng chính trị hay một nhóm lợi ích lên trên Lợi ích quốc gia. Nhưng như thế vẫn chưa phải đã định ra một nguyên tắc chung cuộc. Vì đứa con cứ luôn hoang tưởng rằng từ khi nó được sinh ra thì tổ tiên ông bà của nó, những người đã chết và những kẻ đang còn sống, đều phải là nô lệ, đều bị phủ nhận bởi sức mạnh và quyền lực của nó. Bằng mọi cách, nó thụ đắc thứ quyền lực ảo tưởng của mình với một niềm tin bất diệt về sự vĩ đại vĩnh hằng và một tín niệm quái thai rằng chỉ có một kẻ vĩ đại duy nhất đã sinh ra nó: Chính là Nó! Và khi nó thừa hiểu những kẻ võ biền, những tay lái lợn và những đứa đao phủ được trao vào tay mọi quyền lực để nhổ nước dãi quỷ dữ vào Sự thật, tất cả những gì chúng cần làm là áp đặt.

Sự thật về mọi đế chế được đảm bảo bởi bạo lực, tham vọng vô văn hóa đều đã tỏ tường, cho dù khi ở đỉnh cao, chúng làm mọi cách để thể hiện sự bất diệt và vĩ đại. Và trên thực tế, chẳng cần là người ham bàn luận hay uyên thâm lý thuyết mới có thể nhận ra giữa một xã hội vô luật và một quy định cho phép công an trở thành trang bị của chính quyền được phép bắn dân tùy tiện là một mối liên hệ Nhân-Quả. Chỉ có điều, nếu dự định này được chuẩn y, con quỷ dữ sẽ được khoác thêm áo giáp. Ai dám đảm bảo rằng mỗi khi những kẻ mặc áo đeo sao kia bắn một người bất kỳ là lúc chúng đang thi hành công vụ? Ai sẽ đứng ra làm trọng tài cho những cuộc tranh cãi giữa lẽ phải của những người dân bị buộc phải phản kháng như hoàn cảnh của những người nông dân lấn biển mở đất ở Tiên Lãng? Và phải chăng, Đảng quyết định trang bị cho lực lượng tự xưng “còn Đảng còn mình”, “tuyệt đối trung thành với Đảng” siêu quyền đồ sát, vượt trên cả bộ máy tư pháp, tòa án, công tố để kết tội chết cho tất cả người dân và tuyên chiến với lợi ích quốc gia, dân tộc?

H. A.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

http://www.boxitvn.net/bai/45636

Phản hồi bài viết “Khi phản biện xã hội được sử dụng như một chiêu bài”

Tiêu chuẩn

Phản hồi bài viết “Khi phản biện xã hội được sử dụng như một chiêu bài”

Ts Vũ Thị Nhuận, Đại học Tokyo, Nhật Bản

Bài viết này là bài phản hồi của cá nhân tôi tới tác giả Huỳnh Tấn với bài viết Khi phản biện xã hội được sử dụng như một chiêu bài, đăng trên báo Nhân Dân điện tử có tuyên ngôn “CƠ QUAN TRUNG ƯƠNG CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM, TIẾNG NÓI CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC VÀ NHÂN DÂN VIỆT NAM”.

Thưa ông/bà Huỳnh Tấn

Tôi đọc bài viết của ông/bà được giới thiệu là bài viết trong mục bình luận phê phán của trang báo Nhân Dân điện tử, đã làm cho tôi không khỏi bức xúc. Trong phần mở đầu của bài viết có nói: “Ngày nay, có thể nói mạng internet đã tạo cơ hội để con người có nhiều hơn một khuôn mặt. Chưa có thời kỳ nào khuôn mặt con người lại đa dạng đến thế… Ở đó, họ dễ dàng hành xử như một người vô danh, hoặc bỗng nhiên nhờ vào thế giới ảo mà trở thành nổi tiếng” được trích dẫn của tác giả Nguyên Anh trong bài viết “thế giới mạng và sinh mạng thứ hai”, ngay lập tức tôi đã tìm tên tác giả hay bút danh của Nguyên Anh và của ông/bà, Huỳnh Tấn; thế nhưng hình như cả hai cái tên hay bút danh này chỉ xuất hiện một lần trong bài viết đã đề cập ở trên (hay sự tìm kiếm của tôi có phần không chính xác????). Vậy nếu ông/bà là người có chuyên môn làm báo thì dễ dàng hiểu, chính hai cái tên trên hình như cũng đang mang một khuôn mặt khác hay “mang nhiều hơn một khuôn mặt” và “hành xử như một người vô danh”.

Để công bằng, tôi dùng tên thật của tôi, nơi tôi đang công tác và địa chỉ email bên dưới bài viết nếu ông/bà cần trao đổi để khẳng định với nhau rằng tôi là người thật, “không có nhiều hơn một khuôn mặt và không hành xử như một người vô danh”.

Trước khi bàn về những lập luận của ông /bà trong bài báo, tôi xin nói sơ qua lý do đưa tôi trở thành một người lên tiếng phản biện ở những diễn đàn trên mạng internet thông qua kênh blog/diễn đàn/facebook (mà không theo kênh báo chí chính thống của chính quyền Việt Nam hiện nay) để bày tỏ ý kiến của mình (xin chỉ nêu ra hai ví dụ gần đây).

Tôi là một người có chuyên môn về Y sinh, sinh ra sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, với đầy khao khát muốn đóng góp phụng sự cho tổ quốc máu thịt của mình, đó cũng chính là lý do tôi vẫn là một công dân quốc tịch Việt Nam.

Vô tình vào ngày 22/07/2012, đưa thông tin “Dự án khả thi giải trình tự và phân tích bộ gen người Việt Nam” đang được Viện Công nghệ Sinh học Việt Nam thuộc Viện Khoa học và Công nghệ (KHCN) Việt Nam khởi động dưới tài trợ của Bộ KHCN, Người chủ trì dự án là PGs.Ts Nông Văn Hải, nhằm giúp phát hiện, chẩn đoán, điều trị bệnh và tìm kiếm các gen tốt nhằm cải tạo giống nòi”… với nguồn kinh phí đầu tư là 30 triệu đô la Mỹ [1]. Với một chút kiến thức chuyên môn, tôi vội vã tìm tất cả những thông tin liên quan tới bài viết thì được biết “công trình” trên đã được quảng bá rầm rộ trong hơn hai tháng trước đó với những viễn cảnh “tốt đẹp” của dự án. Tôi đã viết một bài phản biện ngay sau đó trong vòng 30 phút để phản hồi cho bài viết trên. Tôi nghĩ, sẽ không gửi bài ở đâu tốt bằng chính trang báo người đưa tin đã đăng bài tôi muốn phản hồi. Trong thư gửi toà soạn, tôi ghi rất rõ, không đòi hỏi nhuận bút, cung cấp địa chỉ email, địa chỉ cơ quan tôi đang công tác và sẵn sàng đối chất với những người có trách nhiệm liên quan qua các thông tin tôi trình bày. Ngay sau đó, tôi nhận được phản hồi, toà soạn đã nhận được bài gửi và cám ơn sự hợp tác; họ không hề thông báo có đăng bài hay không. Tôi chờ hai ngày tức là vào ngày 24/07/1012 thì nhận được một email phản hồi như sau, tôi xin chụp lại màn hình cho có sức thuyết phục.

clip_image002

Trong đó, họ từ chối đăng bài viết của tôi chỉ với lý do “tuy nhiên, hiện nay Nguoiduatin.vn chưa có chính sách cho CTV nên không thể sử dụng các bài bạn gửi” dù tôi không đòi hỏi tiền nhuận bút.

Tôi không thể không lên tiếng cho một vấn đề mà nằm trong khả năng chuyên môn của mình, môt vấn đề khá viển vông với một mức kinh phí khủng như thế. Tôi gửi bài viết cho ban quản lý của trang Bauxite Việt Nam, để rồi ngay ngày hôm sau bài viết của tôi đã đến với cư dân mạng và nhận được rất nhiều sự cổ vũ mà không hề bị cắt bỏ, chỉnh sửa bất kỳ ý kiến nào.

Hãy đọc lại bài viết của tôi [2] để thấy đơn thuần chỉ bàn về những luận cứ khoa học với những thông tin hết sức phổ quát, không hề bàn gì đến chính trị. Vậy thì tại sao bài viết của tôi bị từ chối trong khi tôi đã lên tiếng sẵn sàng đối chất hay về nước ngay lập tức để đối thoại về luận cứ khoa học của dự án này?

Lần thứ hai, tôi lại tiếp tục bị từ chối, cũng với một bài viết về chuyên môn sâu.

Ngày 15/08/2012 một người xưng tên là Nông Khắc Ý, biên tập viên của tờ báo Đất Việt, đã viết thư trực tiếp hỏi tôi về dự án XÉT NGHIỆM GENE ĐÁNH GIÁ TIỀM NĂNG THỂ THAO đăng trên tờ Đất Việt cùng ngày [3], dựa vào những tuyên bố của ông Ts. Luyện Quốc Hải, tổng giám đốc công ty Bionet Việt Nam [4&5].

Trong đó anh Nông Khắc Ý cũng công nhận “bài viết của chị đăng trên Bauxite Việt Nam đã gây được chú ý trong dư luận”. Tôi đã viết một bài phản hồi sau đó vài gửi cho anh Ý, thế nhưng, anh Ý lại trình bày những lý do “hết sức tế nhị” đồng thời mong nhận được sự thông cảm của tôi khi yêu cầu muốn cắt bỏ một số đoạn trong bài viết trên. Tôi đã không đồng ý vì tôi nghĩ, trong khoa học không có chỗ cho sự “thông cảm” cũng như những ý kiến thiếu tính khoa học. Lại một lần nữa, trang Bauxite Việt Nam đã giúp tôi đưa đến dư luận vấn đề tôi muốn trình bày và dĩ nhiên rất nhiều lời động viên, đồng tình vì những bằng chứng thuyết phục mà tôi đưa ra [6].

Trước đây, tôi đã rất nhiều lần bị từ chối bài viết về nhiều vấn đề như giáo dục, môi trường, sử dụng chất xám, …. tuy nhiên, tôi không lưu lại những bằng chứng đó.

Có phải chăng, chính những tờ báo chính thống đã từ chối những bài phản biện của chúng tôi, những người viết bài chỉ với một chữ TÂM trong sáng và sự công bằng để phản biện một vấn đề trong chuyên môn sâu, mà không đòi hỏi bất cứ một thù lao nào? Phải chăng những tờ báo đó muốn chúng tôi im lặng, thoả hiệp với sự mập mờ, cẩu thả, là những thứ cần loại bỏ trong một tuyên cáo khoa học có tính đao to búa lớn?

Vậy thì, đừng trách tại sao, những tiếng nói phản biện chân thành, công bằng lại tìm đến các trang mạng xã hội, những trang blog/website mà ở đó chúng tôi được nói tiếng nói trung thực từ tim mình. Chính họ đã xua đuổi chúng tôi, để chúng tôi chỉ còn một cách duy nhất đến với cộng đồng mạng nhằm lên tiếng cho những vấn đề chúng tôi quan tâm.

Trở lại với bài viết của ông/bà, tôi xin đi vào ba vấn đề.

Thứ nhất

Từ khi Việt Nam hòa nhập vào thế giới mạng, không cần phải bàn cãi, nó đã đem đến cho chúng ta những mặt tích cực nhiều hơn tiêu cực. Thế giới mạng làm cho không gian trở nên gần hơn, con người giao lưu với nhau dễ dàng hơn và quan trọng nhất trong thế giới ấy không một sự thật nào có thể bị bưng bít và che giấu. Tri thức của nhân loại nói chung và của từng cá nhân tham gia vào thế giới mạng đã đạt một bước nhảy vọt khổng lồ. Tất cả những quốc gia có sự cấm đoán, ngăn chặn công dân của họ tiếp xúc với thế giới mạng, đều là những quốc gia nghèo đói, lạc hậu và kém phát triển như Bắc Hàn, Cuba, Myamar,… Đó không những là thủ đoạn của nhà cầm quyền độc tài sử dụng nhằm đè bẹp kiềm hãm công dân của mình mà còn là tội ác chống lại sự tiến bộ của nhân loại, bưng bít thông tin, che giấu sự thật. Ông kết án “comment chửi bới, vu cáo, xúc phạm bất kỳ người nào có ý kiến khác mình” những kẻ cực đoan sử dụng internet cho mục đích không trong sáng thì đại bộ phận cư dân mạng đều sử dụng nó để hỗ trợ cho nhu cầu chính đáng của mình. Không thể không cảm ơn internet khi mà chỉ vài phút sau khi tung những tấm hình làm thổn thức lương tri về những phận người trên thế giới, nó đã nhận được sự lên tiếng, sự ủng hộ, hỗ trợ về tinh thần cũng như vật chất cho những con người bất hạnh đó. Không thể không cảm ơn internet khi mà những lời kêu gọi ủng hộ cho bầu chọn Vịnh Hạ Long của Việt Nam thành kỳ quan thế giới, kêu gọi thế giới lên án sự hoành hành của tện nạn hiếp dâm ở Ấn Độ,… Hơn nữa khi tri thức mở ra, cư dân mạng buộc mình phải là những người đọc thông minh, phải biết cách chọn lọc thông tin để tiếp nhận, những phát biểu tiêu cực, phiến diện, quy chụp sẽ nhận đủ sự lên án, giận dữ/phản đối/tẩy chay của dư luận, họ thừa trí tuệ để hiểu điều đó thưa ông/bà Huỳnh Tấn ạ.

Thứ hai

Khi ông bàn về cách “hành xử như một người vô danh”, xin hãy đọc lại ngay bài viết của mình, liệu có đủ sức thuyết phục không khi ông lại lấy dẫn chứng từ chính cái “vô danh” đó.

Trích:

– Bình luận về tình trạng hỷ nộ ái ố trên, một blogger viết: “Ðứng trên góc độ một người được giáo dục thì phải biết tôn ti trật tự, biết tôn trọng các quy định chung của xã hội, của cộng đồng. Ðó là cái lễ. Các vị mang danh là “trí thức” thì chắc chắn đã được giáo dục rồi, thậm chí họ còn đi giáo dục người khác nữa chứ!

– Blogger khác bình luận: “Hầu hết những người đồng đơn với ông, khi ký tên vào bản kiến nghị, đều treo lủng lẳng bên cạnh mình một loạt chức danh có được trong chế độ độc đảng mà cái chế độ đó nay họ đòi loại bỏ. Không ai tự phủ nhận mình khi ghi các chức danh đó… vì nếu phủ nhận mình thì tiếng nói của mình cũng thành vô giá trị”.

Cũng trong bài viết ông dùng rất nhiều những “chỉ định vô danh” để quy chụp.

-Ðứng đầu danh sách ký tên vào “thư ngỏ”, “kiến nghị”,… thường là một nhóm người nếu tên tuổi không gắn với một chức danh, học vị thì cũng đi liền với một hai chức vụ thời quá khứ và hình như họ không có việc gì khác để làm, chỉ viết đơn, thư!?

– Như ông “phó giáo sư” nọ lại tự giới thiệu là “giáo sư”, rồi ông “chủ tịch hội đồng khoa học” một viện nghiên cứu – chức vụ mang tính lâm thời, về hưu từ lâu mà vẫn xăm xắn với chữ “chủ tịch”.

– Thật sửng sốt khi thấy một vị tiến sĩ hùng hổ quát tháo, mày tao chi tớ với nhân viên bảo vệ tượng đài Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh…”.

Trong khi chính ông lên án cái gọi là “vô danh”, thế thì tại sao ông không chỉ đích danh họ là ai, làm gì, ở đâu, để thuyết phục người đọc cái khuynh hướng phản đối cá nhân vô danh mà ông đề cập?

Trong bài viết, ông dẫn rất nhiều phát ngôn của ông Gs Trần Chung Ngọc, tòa soạn sachhiem.net. Một luận cứ, một quan điểm khoa học mà lại chỉ được trích dẫn chỉ bởi một cá nhân liệu có công bằng không nếu ông Gs này theo khuynh hướng cực đoan? Riêng về ông Gs Trần Chung Ngọc nào đó, dù với chức danh Gs, tôi không hề biết một cái tên Trần Chung Ngọc nào trên trang mạng Web of Knowledge (một trang mạng công bố tất cả các công trình khoa học có ISI được giới học thuật thừa nhận) [7] với những công bố khoa học về một chuyên ngành nào. Nếu ông ta sống ở Mỹ, có lẽ đó chỉ là một chức danh dành cho người làm nghề dạy học, nhân vật Gs Trần Chung Ngọc của ông hết sức mờ nhạt cũng như một ông A hay bà B nào đó mà thôi. Bài viết trở nên quá yếu kém, thiếu thuyết phục và đầy quy chụp khi chính ông cũng đã không công bằng và không thể đưa ra ý kiến hay phát biểu của nhiều nhà khoa học thực sự có tiếng tăm khác trên công đồng mạng. Một người là khoa học nghiêm túc, họ luôn luôn có trách nhiệm với những phát ngôn của mình.

Thứ ba

Trích: “Phản biện là dùng lý lẽ, biện luận với thông tin, tài liệu, bằng chứng, để phản bác, chứng minh một vấn đề nào đó, có thể là một luận cứ văn học, một quan điểm về khoa học, một nhận định xã hội, một luận cứ trong Tòa án, v.v. là không đúng, là sai lầm cho nên cần phải bác bỏ… Ðây không phải là điều trí thức nào cũng làm được, nhất là về lĩnh vực chính trị”.

Chính vì phản biện là điều không phải trí thức nào cũng làm được nên rất cần nhiều tiếng nói để từ đó nhân dân nhận ra đâu là ý kiến xác đáng, đâu là phát ngôn thiên kiến. Một xã hội tiến bộ là xã hội khuyến khích sự lên tiếng của trí thức, đóng góp của trí thức, dù ý kiến đó có thể là không giống với đa số, tại sao lại hạn chế, lại bịt miệng những tiếng nói phản biện? Một thể chế chính trị, một nhà nước mà khi đó trí thức quay lưng ngoảnh mặt đi, thể chế chính trị đó, nhà nước đó nhất định bị tiêu vong.

Ông biết gì về về chế độ bầu cử ở Mỹ mà lại viết: “Trong chế độ dân chủ của Mỹ, người dân có quyền bỏ phiếu để chọn lựa nguyên thủ quốc gia, tuy nhiều khi phiếu của người dân (popular vote), dù là đa số, cũng không có giá trị bằng phiếu của các vị đại diện cho họ (electoral vote)”, để rồi đưa đến một kết luận hết sức hồ đồ “Ðây không hẳn là dân chủ theo nghĩa “thiểu số phục tùng đa số”? Ông biết gì về một nhà nước Iraq, một nhà nước mà “Từ năm 1979 cho đến năm 2003 Iraq là một quốc gia độc tài, toàn bộ quyền lực quốc gia tập trung trong tay đảng Ba’ath dưới sự lãnh đạo của tổng thống Saddam Hussein. Chính quyền này tự cho là dân chủ nhưng trong cuộc bầu cử tổng thống gian dối cuối cùng Saddam Hussein đã nhận được 100% số phiếu bầu với 100% số phiếu được kiểm” [8], biết gì về mục đích sâu xa của chiến tranh Iraq do Mỹ tiến hành? Hãy nằm lòng trong đầu, người Mỹ họ hành xử mọi chuyện với mục tiêu tối thượng được đặt ra là “lợi ích của nước Mỹ” khi Iraq là một trong những nước có vị trí chiến lược và giàu khoáng sản là dầu mỏ đứng hàng đầu thế giới.

Tôi không bàn về những thiên kiến chính trị, vì chính trị là một vấn đề phức tạp, người ta dễ sử dụng nó để quy chụp cho người khác, bỏ tù người khác vì những ý muốn chủ quan hay những bản án bỏ túi, tôi chỉ muốn nói lên quan điểm và vấn đề cá nhân mà tôi mắc phải cũng như những mẫu thuẫn trong chính bài viết của ông. Với bài viết này, tôi tin rằng, những người đọc thông minh sẽ khó chấp nhận, nhất là một bài viết lại mang danh một tờ báo của Đảng Cộng Sản Việt Nam, một đảng lãnh đạo duy nhất và toàn diện dân tộc Việt Nam; mang danh là đại diện cho tiếng nói của người dân Việt Nam. Phải chăng chính ông/bà đã góp phần làm giảm uy tín của tờ báo chính thống này khi ban biên tập đã quyết định công bố bài viết của ông bà lên cộng động mạng?

V. T. N.

Email liên hệ: vtnhuan@ims.u-tokyo.ac.jp

Tài liệu tham khảo:

[1] http://www.nguoiduatin.vn/viet-nam-chi-600-ty-giai-ma-bi-an-gene-de-cai-tao-giong-noi-a49743.html

[2] http://boxitvn.blogspot.jp/2012/07/nghien-cuu-bo-gen-nguoi-lieu-co-cai.html

[3] http://khoahoc.baodatviet.vn/Home/KHCN/Nang-gia-the-thao-Viet-Nam-bang-xet-nghiem-gene/20128/228386.datviet

[4] http://bionet.vn/

[5] http://www.dienkinh.vn/xet-nghiem-gene-danh-gia-tiem-nang-the-thao.htm

[6] http://boxitvn.blogspot.jp/2012/08/co-xet-nghiem-gen-e-nang-gia-cho-nen.html

[7] http://apps.webofknowledge.com/WOS_GeneralSearch_input.do?highlighted_tab=WOS&product=WOS&last_prod=WOS&SID=Y2c1Mfhh51io6Jm23Mh&search_mode=GeneralSearch

[8] http://en.wikipedia.org/wiki/Iraq

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Thông báo của Nhóm soạn thảo và ký đầu tiên Kiến nghị 72 về công văn trả lời của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Tiêu chuẩn

Thông báo của Nhóm soạn thảo và ký đầu tiên Kiến nghị 72 về công văn trả lời của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Bình luận : Đảng cộng sản một mặt thì nói : “không có hạn chế trong việc góp ý kiến” cũng như “không né tránh và không có điểm nhạy cảm” …, một mặt thì họ ra Nghị Quyết bắt buộc phải theo những gì họ làm, và không được vượt quá giới hạn. Như thế có phải đảng cộng sản là những kẻ dối trá đang lừa phỉnh nhân dân ? Nếu không phải tại sao họ làm như thế ? Họ học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mà cái tư tưởng trong lời kêu gọi của Nguyễn Ái Quốc tại Hội Nghị Versailles họ đã áp dụng chưa? Hay họ kinh thường “cha già dân tộc” của họ ? Vì thế có câu : “đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy nhìn những gì cộng sản làm”…

 Ngày 18 tháng 2 năm 2013

Ngày 4-2-2013, một đoàn 15 người, đại diện cho 72 người đã ký ngày 19-1-2013 bản Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992 (xin được gọi tắt là Kiến nghị 72) và cho hơn 2000 người đến thời điểm đó đã ký ủng hộ Kiến nghị 72, do Tiến sĩ Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm trưởng đoàn, đã gặp đại diện của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (dưới đây gọi tắt là Ủy ban) và trao bản Kiến nghị 72 cùng với một Dự thảo Hiến pháp mới (dưới đây gọi tắt là Dự thảo Hiến pháp 2013). Đoàn đã được Ủy ban tiếp đón trọng thị và tiếp nhận Kiến nghị có 72 chữ ký cùng với Dự thảo Hiến pháp 2013. Một số phóng viên báo đến dự và sau đó một số báo trong đó có báo in đã đưa tin về cuộc gặp này.

Chúng tôi đã nhận được công văn trả lời số 227/UBDTSDHP, ngày 7-2-2013 của Ủy ban do ông Phan Trung Lý, ủy viên Ủy ban, Trưởng Ban Biên tập ký, gửi tới ông Nguyễn Đình Lộc. Chúng tôi cảm ơn Ủy ban đã sớm trả lời và xin trân trọng thông báo văn bản này (đính kèm) tới tất cả những người ký Kiến nghị 72 và đồng bào trong, ngoài nước.

Chúng tôi thấy cần nói rõ vài điểm sau đây:

1- Trong một nước mà tất cả quyền lực thuộc về nhân dân và Nhà nước là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, thì quyền lập hiến là quyền sinh ra các quyền khác (lập pháp, hành pháp và tư pháp) phải thuộc về toàn dân, chứ không thể thuộc về bất kỳ một tổ chức hay cơ quan nào, kể cả Quốc hội. Kiến nghị 72 đã nhấn mạnh quan điểm đó và nêu cách làm cùng với thời gian cần thiết để bảo đảm thực quyền của nhân dân quyết định Hiến pháp.

Nghị quyết số 38/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội dựa vào Hiến pháp hiện hành quy định Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp. Công văn trả lời của Ủy ban theo đúng Nghị quyết đó và yêu cầu người đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp phải “thực hiện đúng quy định của pháp luật và nghị quyết của Quốc hội”.

Theo chúng tôi, quy định nêu trên của Hiến pháp hiện hành phủ nhận quyền lập hiến của nhân dân; đây chính là điều đầu tiên cần sửa trong Hiến pháp và quá trình sửa đổi Hiến pháp lần này phải thấu suốt tinh thần tôn trọng quyền của nhân dân quyết định Hiến pháp.

2- Chúng tôi đề nghị Ủy ban tôn trọng và đưa ra công khai một cách trung thực các kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp, kể cả những ý kiến khác với dự thảo của Ủy ban, để nhân dân bàn bạc, tranh luận; đó là điều kiện nhất thiết phải có để đi tới tổ chức trưng cầu ý dân nhằm xây dựng một bản Hiến pháp đúng là của nhân dân Việt Nam. Theo tinh thần đó, trang thông tin điện tử của Quốc hội về sửa đổi Hiến pháp và các báo in cần đăng Kiến nghị 72 và Dự thảo Hiến pháp 2013 cùng với các ý kiến khác về sửa đổi Hiến pháp.

3- Từ ngày được công bố (22-1-2013) đến ngày 16-2-2013, dù một số ngày bận vào Tết, bản Kiến nghị 72 đã có hơn 4 ngàn người ký ủng hộ, biểu thị ý thức chủ động tham gia vào công việc hệ trọng này đối với vận mệnh của đất nước. Chúng tôi tha thiết mong bản Kiến nghị 72 và Dự thảo Hiến pháp 2013 cùng với các kiến nghị khác về sửa đổi Hiến pháp tiếp tục được phổ biến rộng rãi bằng nhiều hình thức, giúp cho đông đảo các tầng lớp nhân dân đọc, thảo luận và ký ủng hộ, vượt qua sự e ngại cũng như cách nghĩ thụ động cho rằng “dẫu có đóng góp ý kiến sửa đổi hiến pháp hoặc ký vào kiến nghị 72 cũng chẳng có tác dụng gì”. Đó là một hành động tích cực nhằm thực thi quyền công dân của mình để đổi mới và phát triển đất nước. Chúng tôi mong đợi và tin tưởng rằng sự bày tỏ ý kiến của đông đảo nhân dân sẽ tạo nên sức mạnh.

* * *

Công văn trả lời số 227/UBDTSDHP, ngày 7-2-2013 của Ủy ban do ông Phan Trung Lý, ủy viên Ủy ban, Trưởng Ban Biên tập ký, gửi tới ông Nguyễn Đình Lộc:

 

 

http://www.boxitvn.net/bai/44989