Tag Archives: Hòa Giải

Việt Nam có thực tâm hòa hợp và cả hòa giải dân tộc?

Tiêu chuẩn

Việt Nam có thực tâm hòa hợp và cả hòa giải dân tộc?

Phạm Chí Dũng- RFA/ABS

1

 

Vẫn còn “tài nguyên nhân quyền” đặt lên bàn đàm phán quốc tế, chủ đề hòa hợp và có thể cả hòa giải dân tộc lại đang được Hà Nội nhắc đến. Chỉ có điều, bối cảnh hiện thời khác xa so với gần một thập niên trước.

 Biến đổi quan niệm

 Dường như đã thấm thía ý nghĩa của mối quan hệ “song phương” và có thể cả đa phương hóa, gần mười năm sau nghị quyết số 36 về công tác người Việt Nam ở nước ngoài, giới chức lãnh đạo của quốc gia này mới hé cửa về triển vọng “hòa hợp dân tộc”.

 Cũng tràn ngập ý nghĩa và không kém ấn tượng, bài phỏng vấn Thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn do báo Thanh niên thực hiện với tiêu đề “Hòa hợp tạo ra sức mạnh cho dân tộc” đúng vào ngày 30/4 – kỷ niệm 1năm thứ 38 của “Bên thắng cuộc”, đã phác họa những nội dung chưa từng có tiền lệ kể từ năm 2004.

 2004 – thời điểm mà nghị quyết 36 của Bộ chính trị ra đời, cũng là một “thời kỳ quá độ” mà Việt Nam tích cực vận động để “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” được tô điểm thêm một sắc thái mới: thành viên thứ 150 của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

 Vào thời kỳ quá độ trên, chủ đề hòa hợp hòa giải dân tộc cũng đã được nêu ra, nhưng thể hiện một cách đầy chắt lọc chứ không phổ cập đại chúng trên báo chí trong nước như những ngày qua.

 Độ lượng hơn trong ít nhất việc chọn lọc “đối tượng”, hòa hợp dân tộc đang biến diễn trong bối cảnh Việt Nam nhiệt thành xúc tiến cho một cuộc thương thuyết mới sau “phong trào” WTO: gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

 Tất nhiên, kinh tế có thể đóng vai vế làm biến đổi cả quan niệm chính trị.

 “Cái nhìn hết sức tích cực”

 Sau gần mười năm từ năm 2004, một quan chức có trọng trách về ngoại giao và cũng là chủ nhiệm của Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài – ông Nguyễn Thanh Sơn, đã lần đầu tiên dẫn ra một quan niệm mới “Do hoàn cảnh lịch sử mà kiều bào ta vẫn còn một bộ phận mà ngày xưa chúng ta vẫn gọi là “phản động”. Quan điểm của tôi là không nên gọi như thế”.

 Trong bài trả lời phỏng vấn báo Thanh niên, nhân vật số hai của Bộ ngoại giao Việt Nam đã “giải mật” một nội dung mà vẫn thường mang nặng dấu ấn cơ mật vào “ngày xưa”, khi ông tiết lộ việc thông qua Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Việt Nam ở Mỹ, vào tháng 10/2012 ông đã có những cuộc tiếp xúc tại Washington, Houston, California, quận Cam với “các cá nhân, tổ chức còn chống đối, có tư tưởng hận thù với đất nước” *, trong đó có những thủ lĩnh, nhân vật “chống cộng khét tiếng’” như Nguyễn Ngọc Lập, Nguyễn Phương Hùng, Nguyễn Thành Quang, Võ Đức Quang, Đức Nguyễn, Thôn Thất Chiếu, Đông Duy, Nguyễn Á Độc Lập, Hoàng Duy Hùng…

 Riêng đối với nhân vật Hoàng Duy Hùng, ông Sơn khen ngợi: “Vấn đề mà chúng ta từng lo ngại là các thành phần chống cộng cực đoan đã ngày càng giảm đi. Một trong những người cực đoan nhất như ông Al Hoàng (Hoàng Duy Hùng) vừa qua cũng đã được về nước và ông ấy đã có những cái nhìn hết sức tích cực như các anh (phóng viên) đã biết”.

 Người được khen tặng – Hoàng Duy Hùng, một nghị viên của Thành phố Houston đặc trách về châu Á – đã có chuyến về thăm Việt Nam vào cuối tháng 3, đầu tháng 4/2013 qua lời mời của Bộ ngoại giao Việt Nam và của thành phố Đà Nẵng – đô thị được xem là “nơi đáng sống nhất Việt Nam” và đang có mối quan hệ kết nghĩa với Houston.

 “Tôi e ngại rằng nhiều đảng phái quá sẽ không xây dựng được đất nước, nên tôi cho rằng hệ thống lưỡng đảng ở Hoa Kỳ đem áp dụng cho Việt Nam là tốt nhất, và đó cũng là sự “hợp nguyên”. Suy cho cùng, hệ thống lưỡng đảng là tương đối ổn thỏa nhất để xây dựng và phát triển Việt Nam” – ông Hoàng Duy Hùng đã nêu ra “cái nhìn hết sức tích cực” khi trả lời BBC tiếng Việt cũng vào ngày 30/4/2013 – thời điểm mà Thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn hé cửa “hòa hợp dân tộc” trong trả lời phỏng vấn báo Thanh niên.

 Nghị viên Houston Hoàng Duy Hùng còn đề nghị một phương án hết sức táo bạo: nếu Đảng cộng sản Việt Nam thuận theo sự tiến bộ và tách thành hai đảng, thí dụ Đảng cộng hòa (bảo thủ) và Đảng xã hội hay Đảng dân chủ (cấp tiến), thì đó chính là đột phá của lịch sử để giải quyết nhiều bế tắc trong nhiều năm qua ở ngay trong nội bộ Đảng cộng sản cũng như của chính những người bất đồng chính kiến và ở hải ngoại. Lúc đó, những người bất đồng chính kiến có thể tham gia một trong hai đảng mà không cảm thấy khó khăn.

 Khá bất ngờ là chính trường Việt Nam, với những ẩn dụ chưa định hình, đang lần đầu tiên tạm chấp nhận sự hiện diện và cả phát ngôn của một nhân vật “khét tiếng chống cộng”.

 Việt Nam dân chủ cộng hòa?

 Cũng khá bất ngờ đối với người dân trong nước và còn đột ngột hơn với giới trí thức hải ngoại, tháng 4/2013 lại khởi đầu cho một “đột phá lịch sử” nào đó giữa Nhà nước với thành phần trí thức “bất đồng” ở Việt Nam, nhưng không được kích hoạt một cách trực tiếp, mà bằng vào sự hồi tưởng lịch sử năm 1946: Việt Nam dân chủ cộng hòa.

 Quay về tên nước “Việt Nam dân chủ cộng hòa” cũng là một trong những nội dung cải cách chính trị của nhóm “Kiến nghị 72”.

 Điều đáng ngạc nhiên là trong bối cảnh chỉ mới từ tháng 3/2013 trở về trước, khi việc sửa đổi Hiến pháp vẫn không chấp nhận các ý kiến trái chiều, thì trong một buổi tọa đàm lấy ý kiến Hiến pháp tại TP.HCM diễn ra sau đó không lâu, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã cho rằng “cần phải tiếp thu ý kiến nhiều chiều”.

 Ý kiến đề xuất của một số nhân sĩ và cả giới chức mặt trận về việc đổi tên nước cũng vì thế được lưu tâm hơn. Trong số nhân sĩ này, có cả những người bất đồng chính kiến và những người mà “ngày xưa” còn bị cơ quan an ninh xem là “đối tượng chống đối”.

 Nhưng chỉ mới đây thôi, có vẻ cách nhìn và thái độ của các cơ quan “đặc vụ” đã trở nên dịu dàng hơn nhiều. “Tôi cũng có quan hệ rất tốt với các cơ quan quốc phòng, công an và các anh ấy cũng rất ủng hộ tôi khi có đột phá vào những chuyện vẫn bị coi là nhạy cảm” – Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn trần tình trong trả lời báo Thanh niên.

 Ông Sơn cũng gián tiếp khơi gợi về một sự kiện không kém ẩn ý trong thời gian qua: “Tại sao năm 1946 khi Bác (ông Hồ Chí Minh) đi thăm Pháp trong bối cảnh đất nước thù trong, giặc ngoài mà Bác không chọn bác Phạm Văn Đồng hay bác Võ Nguyên Giáp là quyền chủ tịch nước, mà lại ủy nhiệm cho cụ Huỳnh Thúc Kháng vị trí đó? Trong những lúc đất nước lâm nguy, khó khăn thì hơn bao giờ hết tinh thần đại đoàn kết dân tộc được thể hiện qua sức mạnh dân tộc trong các thành phần dân tộc, các tầng lớp trong xã hội. Người được lựa chọn không phải là người ở trong chính đảng mà Bác thành lập, mà là một chí sĩ yêu nước có uy tín lớn, đủ khả năng lãnh đạo đất nước”.

 Vào trung tuần tháng 4/2013, sau khi đề xuất đổi tên nước được bất thường khởi xướng và có dấu hiệu lan rộng, một buổi lễ truy tặng huân chương Sao vàng cho chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng đã được tổ chức tại huyện ủy Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, với sự chủ trì của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

 Thực ra, tình cảm tri ân lịch sử của ông Sang đã được thể hiện qua bài viết “Phải biết hổ thẹn với tiền nhân” của ông vào tháng 8/2012, trước khi diễn ra Hội nghị trung ương 6 đầy sôi động.

 Hòa giải?

 Hướng về lịch sử chiến tranh Nam – Bắc cũng đang là tinh thần nổi trội sau gần mười năm mà nghị quyết 36 của Bộ chính trị vẫn bị nhiều nhân sĩ, trí thức trong và ngoài nước xem là “chưa đi vào thực tiễn”. Một trong những chủ trương có tính lịch sử như thế liên quan đến nghĩa trang quân đội Việt Nam cộng hòa ở tỉnh Bình Dương.

 “Hai quân đội từng đối địch nhau, để như vậy càng tạo thêm sự xung đột sau này, cho nên chuyển thành nghĩa trang dân sự là rất đúng” – Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn giải đáp một cách không quá thiên về thói quen ngoại giao.

 “Lần đầu tiên một quan chức Việt Nam bày tỏ nghĩa cử tưởng nhớ đối với tử sĩ Việt Nam cộng hòa, những chiến binh của phía thua cuộc” – báo chí phương Tây bình luận về sự hiện diện “đến thăm và thắp hương” của Thứ trưởng ngoại giao Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn tại đài tưởng niệm bằng đá đen mới được dựng lên trong nghĩa trang quân đội Biên Hòa cũ ở tỉnh Bình Dương, nơi chôn cất 16.000 binh lính Việt Nam cộng hòa đã tử trận.

 Sự kiện đáng nhớ trên lại diễn ra vào tháng 3/2013, ngay trước khi xuất hiện một sự kiện khó quên khác: giáo sư Michael Dukakis – cựu ứng viên tổng thống Mỹ năm 1988, hiện là Chủ tịch Diễn đàn toàn cầu Boston – đã phát biểu đầy sôi nổi tại Học viện chính trị – hành chính quốc gia Hồ Chí Minh: “Các bạn là một dân tộc điển hình về hòa giải, hòa hợp sau chiến tranh, nỗ lực xây dựng một thế giới tránh xung đột”.

 Dù vẫn thận trọng và chỉ dùng từ “hòa hợp” mà không có phụ ngữ “hòa giải”, nhưng lời lẽ trong nội dung trả lời phỏng vấn của Thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn lại như toát lên một hàm ý nào đó về cả sự hòa giải dân tộc – điều chưa từng hiện diện một cách thực tâm và thực chất trong gần bốn chục năm qua giữa Nhà nước Việt Nam với “các thế lực thù địch”.

 Cho tới giờ, người ta đã có thể giải thích vì sao trong không khí nhang khói tại nghĩa trang quân đội Việt Nam cộng hòa vào tháng 3/2013, lại có mặt một trong những đại diện của “thế lực thù địch ấy” – ông Nguyễn Đạc Thành, nguyên thiếu tá quân lực Việt Nam cộng hòa, cựu tù cải tạo và hiện là Chủ tịch Hội Vietnamese American Foundation, bên cạnh “Người thắng cuộc” Nguyễn Thanh Sơn.

 Nếu kinh tế có thể làm biến đổi quan niệm chính trị, thì quan niệm ấy cũng có thể khiến đổi khác những hành động về ý thức hệ.

 Đó cũng là lý do giải thích cho một hành động rất mới mẻ là chính vào bối cảnh “rất nhạy cảm” như hiện nay, tờ báo Thanh niên của Trung ương đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh lại có đủ can đảm để nêu ra một câu hỏi đặc biệt đối với Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: “Bài học lịch sử ấy (thời kỳ đầu xây dựng nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa), theo ông, có thể áp dụng thế này vào hiện tại để tập hợp những con người có thể có quan điểm, chính kiến khác nhau vì mục tiêu phát triển của đất nước?”.

 Rất có thể đây là lần đầu tiên từ rất nhiều năm qua, một tờ báo “quốc doanh” lộ ra mối quan tâm với những người bất đồng chính kiến mà không bị Ban tuyên giáo trung ương “tuýt còi”.

 Tài nguyên nhân quyền!

 Trong Việt Nam đương đại, chủ đề “Phát triển đất nước” là một bài toán quá nhiều ẩn số với xuất phát điểm của quá nhiều nguyên nhân, mâu thuẫn và xung đột thuộc về nội tại.

 Chìm trong suy thoái và gần như cạn kiệt về sức hồi sinh, nền kinh tế Việt Nam và những người điều hành nó đang phải bằng nhiều cách tìm ra lối thoát.

 Nếu Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn dường như đang cố gắng thể hiện “gương mặt ôn hòa” với kỳ vọng có thể thu hút từ 10 đến 20 tỷ USD kiều hối từ 4,5 triệu “kiều bào ta”, thì sau gần mười năm, nghị quyết số 36 của Bộ chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài vẫn còn rất xa mới đạt được ý nghĩa trọn vẹn về hình thể và nhân cách của nó.

 Cũng gần như cạn kiệt tài nguyên, ngoài dầu khí ở khu vực biển Đông, Việt Nam đang tụt hậu quá xa so với Myanmar trong nhãn quan lợi nhuận của giới tư bản quốc tế.

 Trong bối cảnh đầy ám ảnh như thế, hiển nhiên lời đánh đố về tính hấp dẫn mang tính cứu cánh của TPP như “Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất”, cũng như kết quả đàm phán gia nhập tổ chức này của Việt Nam, vẫn là một cái gì đó không thể không liên đới với khuyến cáo mới đây của tiến sỹ Jonathan London của Trường đại học tổng hợp Hồng Kông, trong một cuộc hội thảo tại Trường đại học Phạm Văn Đồng (tỉnh Quảng Ngãi): “Việt Nam đang đứng trước cơ hội lịch sử để chọn con đường cải cách, đẩy mạnh cải cách chính trị để thu hút hậu thuẫn cho chủ quyền của mình ở biển Đông”.

 Ứng với những động thái khá cấp tập “vừa tranh thủ vừa đấu tranh” nảy ra trong các mối quan hệ Việt – Mỹ và Việt Nam – Liên minh châu Âu, vào lần này hình như chủ quyền lại đồng nghĩa với quyền con người.

 Thường được mô tả như “một thị trường tiêu thụ tiềm năng với hơn 80 triệu người”, Việt Nam cũng còn một thứ tài nguyên đặc chủng để đặt lên bàn đàm phán quốc tế: tài nguyên nhân quyền.

 Một lần nữa từ nhiều năm qua và sau cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ tái lập ở Hà Nội vào giữa tháng 4/2013, chủ đề hòa hợp và có thể cả hòa giải dân tộc được Hà Nội nhắc đến.

 Chỉ có điều, bối cảnh hiện thời đang khác xa so với gần một thập niên trước.

 P.C.D.

 * Bổ sung, hồi 8h50′, 2/5/2013: một độc giả phản hồi:

 Đề nghị anh PC Dũng nên sửa lại.

(Trích:…những cuộc tiếp xúc tại Washington, Houston, California, quận Cam với “các cá nhân, tổ chức còn chống đối, có tư tưởng hận thù với đất nước”).

Anh nên viết lại là: ….”các cá nhân, tổ chức còn chống đối, có tư tưởng hận thù với đảng cọng sản và nhà cầm quyền cộng sản”. Không ai lại đi hận thù với đất nước mình cả, ngoại trừ những kẻ cam tâm làm tay sai cho ngoại bang bán rẻ biển, đảo, đất nước mình!

 Chúng tôi chuyển ý kiến của tác giả làm rõ thêm: câu đó là trích nguyên văn lời của Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn.

Cái chúng ta cần bây giờ là một lá cờ khác

Tiêu chuẩn

Cái chúng ta cần bây giờ là một lá cờ khác

Phương Bích

103_buc-anh-hai-nguoi-linhTôi tặng những dòng tâm tư này cho blogger AnhVu của Vũ Thị Phương Anh. Đọc những ký ức buồn của chị, tôi cảm thấy có chung một niềm đồng cảm sâu sắc với những người ở phía “Thua toàn tập”. Đó là nhân dân chứ chẳng phải một thế lực chính trị nào khác như có người từng nói. Và tôi, chị đều là những người thua cuộc.

 30/4 – Với tôi, từ rất lâu đó chỉ là ngày nghỉ. Không phải tôi lãng quên những người đã chết trong cuộc chiến tranh này, cho dù họ là người lính hay dân thường,miền Nam hay miền Bắc. Hồi còn bé, tôi đọc “Hội chợ phù hoa” và nhớ một đoạn văn đại ý nói rằng, trong một cuộc chiến, khi người lính này đâm lưỡi dao vào ngực đối phương, thì cũng đồng thời đâm lưỡi dao đó vào ngực một người mẹ ở bên kia chiến tuyến. Thế nên tôi sớm có cái nhìn khác về những người ở “phía bên kia”. Thực lòng tôi vui mừng khi người ta nói sẽ không có tắm máu.

 Chiến tranh kết thúc không có nghĩa là đau khổ đã chấm dứt. Nó rẽ sang một ngả đau thương khác. Đúng là không có tắm máu. Nhưng người ta không chết ngay bởi súng đạn, mà là chết từ từ. Cái chết này còn kinh khủng hơn nhiều. Sau này khi cuốn “Bên thắng cuộc” của nhà báo Huy Đức ra đời, một người bạn trên facebook đọc đến chương “Thăm nuôi” thì nghẹn ngào thốt lên: Ui! Bao nhiêu kỷ niệm đau thương ùa về. Tiếng kêu của bạn tôi như một vết cứa vào lòng.

 Tôi có đọc một vài cuốn truyện như “Người có trái tim chó” của Nga, “Sống chết ở Thượng Hải”, “Báu vật của đời” của Trung Quốc, “chuyện làng Cuội” của Việt Nam. Dường như cách hành xử của người công sản ở nước nào cũng giống nhau cả. Tôi không lạ, nhưng chắc chắn không biết được hết, cũng không thể cảm nhận được những gì mà con người vẫn còn phải chịu đựng sau chiến tranh. Không có cách gì lý giải được việc sau chiến tranh, lòng người còn tan hoang hơn cả đất nước bị tàn phá bởi bom đạn. Không chỉ người miền Nam tiếp tục rời bỏ quê hương, mà người miền Bắc cũng ra đi.

 Tôi không có ý định kể lại chuyện quá khứ. Nhiều người cũng đã muốn khép lại nó. Người ta nói nhiều hơn đến hòa giải hận thù giữa bên “Thắng” và “Thua”. Nhưng thực khó khi cả hai bên vẫn còn không ít nhiều người chưa thực sự mở lòng. Bên “Thua” nhất định giương lá cờ 3 sọc, đòi xóa bỏ chế độ cộng sản đang thống trị,. Bên “Thắng” tệ hơn, cứ gần đến ngày 30/4 hàng năm là toàn bộ hệ thống truyền thông lại ra rả ca ngợi “chiến thắng”.

 Có người bảo, tôi chả thích cả cờ đỏ sao vàng lẫn cờ vàng ba sọc. Cái chúng ta cần bây giờ là một lá cờ khác. Tôi cũng nghĩ như vậy, cần có một màu cờ khác để dung hòa hơn là cứ ngồi tranh cãi nhau cho đến chết. Việc kẻ đang khua chiêng gõ mõ chưa hẳn là để khoe mẽ mà có khi chỉ là che giấu nỗi sợ hãi nào đó ở bên trong.

 Đôi khi để hòa giải, người ta không cần cả những lời xin lỗi hay tha thứ ?

 hòa giải

 

Đỏ Trắng Vàng, màu của hòa giải dân tộc trong tinh thần yêu thương và tha thứ, thể hiện tinh thần Bác Ái, Tự Do và Cao Thượng.

30 tháng Tư trong thế giới mạng

Tiêu chuẩn

30 tháng Tư trong thế giới mạng

 

Sự kiện 30/04 được chính quyền nói đế́n nhiều trên phương tiện truyền thông nhà nước và cũng là chủ đê bảo chí tiếng Việt tại hải ngoại khai thác, nhưng gần đây có thêm sự tham gia nhiều và mạnh hơn của cư dân mạng.

Là trang thu hút hàng chục triệu người Việt trong nước và ở nước ngoài sử dụng, Facebook, mạng xã hội từng bị chặn tại Việt Nam, đang xuất hiện các thông điệp tương đối trái chiều để đánh dấu sự kiện 30/04.

Tờ BấmDân Trí có bài mô tả rằng “các bạn trẻ treo trên tường nhà cùng với việc thay avatar hình lá cờ đỏ sao vàng Việt Nam”.

“Cộng đồng mạng còn hạ quyết tâm “nhuộm đỏ” Facebook với sự xuất hiện của quốc kì, đó không chỉ là trào lưu mà là hành động thiết thực thể hiện tình yêu với quê hương đất nước,” bài báo của Dân Trí viết.

Trong khi đó BấmĐốp Catherine có bài ‘30/4 – anh hỏi em nghĩ gì?’ trên Facebook được khá nhiều người tán thưởng.

Tác giả bình luận “Những ngày này em lên facebook, những avatar cờ vàng ba sọc đỏ xen lẫn với avatar cờ đỏ sao vàng. Những ngày này, người ta đang tranh cãi nhau nên gọi nó là ngày gì: giải phóng hay quốc hận”.

‘Giải phóng’

Biểu tình “Ngày Quốc Hận” chiều 27/04/13 tại Place du Trocadéro, Paris.

“Em đã đọc về Sài Gòn trước 75, em đã thấy những hình ảnh của một Sài Gòn phồn thịnh, tự do nên em không thể coi đó là ngày giải phóng.

“Em sinh sau đẻ muộn, em biết chuyện hàng ngàn người bỏ mạng ngoài biển khơi, em hiểu nỗi đau của những người còn sống sót và đến được bến bờ tự do nhưng em không muốn mang chữ hận thù bên cạnh mình.

“Em sẽ gọi nó là ngày tang thương, dù thực ra, cuộc tang thương của đất nước mình bắt đầu trước đó cả ba mươi năm”, tác giả viết.

Trong khi đó từ Đại học Harvard, nhà báo Huy Đức, tác giả cuốn “Bên Thắng Cuộc” dẫn lời Thủ tướng Thái Lan nói “Chúng tôi tự hào vì không phải đánh nhau với đế quốc to nào cả” khi đáp lại câu “Chúng tôi tự hào đã đánh thắng ba đế quốc to” của cố Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt khi ông thăm nước này vào năm 1991.

Trong một entry ngắn trên Facebook, BấmHuy Đức dẫn lời cố Chủ tịch Hồ ChíMinh nói: “Nước độc lập mà dân không có tự do, hạnh phúc, thì độc lập đó cũng không có ý nghĩa”.

“Nếu những người cộng sản tin những gì mình đã làm là cao cả thì nên chiểu theo “lời dạy của Hồ Chí Minh”, thấy cái gì dân chưa có tự do thì trả tự do cho dân, thấy cái gì dân chưa hạnh phúc thì để cho dân mưu cầu hạnh phúc”

Nhà báo Huy Đức

Nhà báo có nhiều người hâm mộ trên Facebook viết tiếp “Ngày 30-4-1975, cũng có thể coi là ngày chiến thắng nhưng nó chỉ mới là chiến thắng của những người cộng sản”.

“Cho dù đã sau 38 năm, theo tôi, vẫn có thể tạm gác lại chuyện đánh giá bản chất của cuộc chiến tranh.

“Nếu những người cộng sản tin những gì mình đã làm là cao cả thì nên chiểu theo “lời dạy của Hồ Chí Minh”, thấy cái gì dân chưa có tự do thì trả tự do cho dân, thấy cái gì dân chưa hạnh phúc thì để cho dân mưu cầu hạnh phúc.

“Cái ngày mà đảng cộng sản Việt Nam làm được điều đó xin cứ gọi là ngày giải phóng và chắc chắn sẽ có không ít người dân cũng coi đó là ngày chiến thắng”, nhà báo Huy Đức bình luận trên Facebook của mình.

Con em ‘chế độ cũ’

“38 năm- Nhà nước của một nửa” của BấmNgô Minh là bài viết được phát tán khá nhiều khác trên mạng.

Tác giả mở bài nói “Cứ nghĩ đến đất nước từ sau năm 1975 đến nay, đã 38 năm gọi là “thống nhất” nhưng thực tế lòng người chưa về một mối”.

Người dân tại cả hai bên chiến tuyến đều chịu thiệt hại về người và của trong Cuộc chiến Việt Nam.

“Thực tế vẫn tồn tại hai loại người: Người phe của cách mạng và người thuộc phe “ngụy quân ngụy quyền”. Hai “loại người” cùng sống trong một làng, ấp, xã này khác biệt nhau từ ý thức hệ đến những chế độ chính sách cụ thể hàng ngày.

“Những phân biệt đối xử như vậy khiến người dân liên quan đến “ngụy quân ngụy quyền” cứ nghĩ: Nhà nước này là nhà nước của những người cách mạng, không phải nhà nước của mình. Nghĩa là nhà nước của một nửa,” tác giả viết.

Bài viết mô tả về sự phân biệt đối xử với “con em ngụy quân ngụy quyền, những người làm việc dưới chế độ cũ” và cáo buộc điều tác giả gọi là có một loại “nhà nuớc một nửa khác”.

“Đó là nhà nước ra tay ủng hộ bọn cướp đất của dân, điều động cảnh sát , quân đội trấn áp nhân dân để cho bọn cướp đất làm giàu như ở Tiên Lãng, Văn Giang. Ở Tiên Lãng, người nông dân bị hại đứng lên chống lại bọn cướp thì bị xử tù nặng hơn bọn cướp. Nghĩa là nhà nước là nhà nước một nửa, nhà nước của quan chức tham nhũng”, tác giả nhận xét.

Phải nói thẳng rằng, 38 năm qua, nhà nước cầm quyền đã không có được một chính sách xã hội thích đáng để hàn gắn vết thương lòng của dân tộc, tạo nên sự hòa họp, hòa giải dân tộc, mà nhiều khi còn làm cho tình trạng bất hòa tăng lên.

“Tôi tin chả có thế lực thù địch nào bên ngoài, nguy hiểm bằng chính sự tha hóa ở bên trong đang làm mục ruỗng đất nước mình”

Phương Bích

Tôi cứ nghĩ, nếu cứ tiếp tục quản lý đất nước theo ý thức hệ “địch–ta” như thế này thì đến trăm năm nữa người Việt cũng không hòa giải dân tộc được.

Còn công dân mạng k‎y tên Phương Bích thì lấy nguồn cảm hứng từ bài thơ “Đất nước, những năm tháng thật buồn” của ông Nguyễn Khoa Điềm, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (2001-2006) để viết bài “Hòa giải dân tộc cũng là chuyện của người Việt trong nước” vì điều tác giả gọi là ông Điềm đã “nói hộ tâm tư của không ít người, trong đó có cả tôi”.

“Ít nhất đã có nhiều người ở cả hai phía của cuộc chiến trước đây, giờ trở thành bạn bè thân thiết qua mạng. Họ đều có chung một khao khát cho đất nước, sau ngần ấy năm đau khổ vì chiến tranh và ly tán, nay phải được bình yên và hạnh phúc.

“Tôi tin chả có thế lực thù địch nào bên ngoài, nguy hiểm bằng chính sự tha hóa ở bên trong đang làm mục ruỗng đất nước mình,…

“Chuyện hòa giải không còn là của riêng người Việt trong nước và người Việt tha phương, mà chính người Việt trong nước cũng cần hòa giải với nhau. Nếu không cố gắng tìm tiếng nói chung, vô hình chung chúng ta càng đẩy mình ra xa nhau,” tác giả Phương Bích viết.

Trăn trở về hòa hợp dân tộc của cựu Bộ trưởng

Tiêu chuẩn

Bình : Chỉ vì ý thức hệ chủ nghĩa cộng sản ngoại bang mà dân tộc Việt Nam đã phải chịu quá nhiều đau thương mất mát. Nhưng suy cho cùng, phải nói đến vai trò của Trung Quốc và Liên Xô trong chiến tranh Việt Nam, vì chính họ đã đào tạo những người cộng sản Việt Nam để áp đặt chủ nghĩa cộng sản lên toàn đất nước bằng vũ lực, bằng ý thức hệ độc tài. Hậu quả là gì ? Người Việt giết nhau, tàn sát lẫn nhau, đàn áp nhau. Chính đảng cộng sản do Hồ Chí Minh lãnh đạo đã là nền tảng cho chiến tranh Việt Nam. Đảng cộng sản muốn “hòa giải dân tộc”, nhưng họ muốn mọi người phải phục tùng họ, làm những điều họ muốn, phục vụ quyền lợi của họ. Như thế, những người Việt đã từng được sống tự do ở chế độ Việt Nam Cộng Hòa, những người đã phải đổi lấy sự sống để có được tự do khi phải vượt biển, vượt rừng để thoát nạn cộng sản độc tài và tàn ác đó, làm sao họ có thể hòa giải và chấp nhận một chế độ độc tài đảng trị được ? Chỉ có nền dân chủ thượng tôn luật pháp mới có thể hòa giải con người Việt Nam.

Trích Vietnamnet : http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/104904/tran-tro-ve-hoa-hop-dan-toc-cua-cuu-bo-truong.html

– Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên tiếc thời gian đã dài, gần 40 năm, mà vấn đề hòa hợp dân tộc vẫn còn những điều để suy ngẫm. Ông tâm niệm, dù không thể bôi một thứ thuốc để lành ngay, nhưng có những điều tiếc nuối, đủ để thấm thía “bài học lịch sử” này không thể lặp lại.

 

Khó

Sau chiến tranh, có rất nhiều mục tiêu đặt ra và cần phải làm ngay để ổn định, tái thiết đất nước. Điều này dễ nhận được sự đồng tình là nguyên do hợp lý chăng, khi chúng ta không thể đặt ra ngay chuyện hòa hợp dân tộc thời điểm đó?

Có một câu chuyện khi công tác ở Vĩnh Linh năm 1972, trong bữa cơm với các cán bộ địa phương, đồng chí Lê Duẩn đặt câu hỏi: “Sau khi Việt Nam đánh thắng đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước, việc gì là lớn nhất?”.

Trả lời ông, người thì cho rằng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là hàng đầu, người thì cho rằng phải phát triển nông thôn, đưa người nông dân đi lên, người khác thì nói cần ưu tiên đẩy mạnh khai thác tài nguyên… Ông chăm chú lắng nghe mọi người nhưng không ưng ý nào cả.

Rồi ông hỏi từng người ngồi xung quanh mâm cơm một câu: “Có ai có bà con trong Nam không?”. Ai cũng trả lời có. Ông nói: Vấn đề lớn nhất sau chiến tranh cần phải làm, đó là hòa hợp dân tộc.

Nhưng sau chiến tranh, hòa hợp dân tộc đã không được đẩy lên ngay, không thể hoạch định kế hoạch thực hiện?

Không khí đất nước lúc đó ào lên như con sóng khiến không ai có thể kìm hãm được. Niềm sung sướng vô hạn trào dâng khi đất nước bao lâu chìm trong chiến tranh, bom đạn, kìm hãm.

Hà Nội cũng thế, huống gì trong miền Nam. Người ta sung sướng vô cùng. Nhưng nhìn lên bàn thờ, di ảnh những người đã hy sinh cho sự nghiệp này, người ta không nguôi đau khổ….

hòa hợp dân tộc, Nguyễn Dy Niên, Bộ trưởng, việt kiều, Võ Văn Kiệt, Lê Duẩn
Kiều bào dự hội nghị ở TP.HCM. Ảnh: Nam Phong

Căn cơ của vấn đề ông trăn trở, tiếc nuối, chưa thể làm trọn vẹn trong thực tế khi thời gian đã̃ gần 40 năm rồi, theo ông, là do đâu?

Dù ông Lê Duẩn là lãnh đạo cao nhất thời đó nói vậy nhưng khi đi vào thực tế khó lắm. Trong lịch sử có chữ nếu thì nhiều cái đã khác rồi. Có biết bao nhiêu hy sinh chồng chất, nhất là những hy sinh xương máu, từ cả hai phía.

Điều tôi trăn trở, day dứt, đó là hy sinh của dân tộc mình lớn quá. Khi đến nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang đường 9, nhìn bạt ngàn mộ của những người lính, rồi nghe những người quản trang kể chuyện ban đêm các anh hiện về nói chuyện, mình xúc động chảy nước mắt.

Tôi đi vào miền Nam, gặp các má. Họ là những bà mẹ Việt Nam tuyệt vời khi có những người con xung trận và̀ làm điểm tựa hậu phương vững chắc. Nhưng các má kể lại chuyện mắt thấy tai nghe, tận mắt nhìn cảnh con mình bị giết chết, tàn sát dã man… rất đau lòng. Nên khó tha thứ…

Nhưng nếu chúng ta khéo léo xử lý thì tình hình có thể đã khác.

Không thể lặp lại

Có điều khó là đất nước – vốn bao năm dốc lực cả người và của cho giải phóng thoát khỏi chiến tranh – phải bắt tay ngay vào tái thiết, không thể kịp chuẩn bị về con người trong quản lý cũng như có những cơ chế xử̉ lý́ tái thiết trong mọi vấn đề hoàn chỉnh?

Tôi cũng nghĩ chúng ta đã có phần quá lo lắng thời kỳ hậu chiến, lo lắng kẻ thù cài cắm lực lượng chống phá, chứ ngay lúc đó chúng ta đã có rất nhiều cơ hội.

Riêng với vấn đề hòa hợp dân tộc, cơ chế nào cũng phải chứa đựng điều cốt lõi là sự bao dung, tha thứ. Dù không thể bôi một thứ thuốc lành ngay nhưng nó là cay đắng của chiến tranh. Nói như thế để sau này chúng ta không bao giờ lặp lại.

Gần 40 năm mà đặt vấn đề “bắt đầu” từ đâu sẽ thật kỳ, vì thực tế không phải là chúng ta chưa bắt đầu. Đã có rất nhiều cuộc trở về xuất phát từ tinh thần của Nghị quyết 36 về kiều bào… nhưng vẫn chưa là trọn vẹn. Ông, trong sự trăn trở của mình, kỳ vọng gì cho câu chuyện “hòa hợp dân tộc”?

Năm 2008, tôi gặp nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong Đại lễ Phật đản Vesak tại Hà Nội. Khi đó, tôi đề nghị với ông một ý tưởng, đó là chúng ta nên xây dựng một tượng đài hòa bình ở TP HCM, hay ở bất cứ nơi nào đó để tưởng nhớ những người đã nằm xuống trong chiến tranh, dù ở bất cứ bên nào.

Ở nơi đây, mọi người có thể đến thắp nhang, đặt hoa. Không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng hàn gắn, nó cũng nhắc nhở chúng ta bài học. Ông Kiệt đã rất thích thú với ý tưởng này nhưng rất tiếc điều đó đã không thực hiện được vì sau đó không bao lâu ông Kiệt, một nhà lãnh đạo kiệt xuất, đã vĩnh biệt chúng ta.

Dân tộc của chúng ta đã hy sinh quá nhiều, quá lớn. Liên hệ thời nay, chúng ta phải biết cách để không bị cuốn vào vòng xoáy của chiến tranh, phải giữ vững hòa bình, an ninh, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không để xảy ra những gì tổn thương lớn lao cho dân tộc nữa.

Không ai có thể thấm hơn chính chúng ta về những bài học lịch sử. Với câu chuyện hòa hợp dân tộc, thời gian đã dài quá đủ để chúng ta thấm thía không để bài học này xảy ra nữa.

Xuân Linh

Hòa hợp dân tộc: Không thể chờ nước chảy đá mòn

Tiêu chuẩn

Bình : Hòa hợp dân tộc là gì khi vẫn còn độc tài đảng trị, khinh thường luật pháp, đứng trên cả hiến pháp ? Hòa hợp làm gì khi vẫn còn coi chế độ Việt Nam Cộng Hòa là ngụy quân, ngụy quyền, là kẻ thù ? Chỉ khi nào đảng cộng sản biết chấp nhận sự thật lịch sử, xóa bỏ độc tài, tôn trọng tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do hội họp và nhất là thay đổi thể chế chính trị một cách triệt để, hy vọng khi đó mới có thể hòa giải được. Nhưng lời nói gió bay, đảng cộng sản sẽ mãi mãi không làm được điều đó cho dù có rất nhiều người thiện chí. 

Trích Vietnamnet : http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/57916/hoa-hop-dan-toc–khong-the-cho-nuoc-chay-da-mon.html

Liệu pháp thời gian là cần thiết song không thể mặc định như chuyện nước chảy đá mòn. Hòa hợp dân tộc cần sự chủ động từ trong nước hơn nữa – nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên nói về vấn đề hòa hợp dân tộc.

Dưới thời kỳ ông Nguyễn Dy Niên làm Bộ trưởng Ngoại giao – cơ quan tham vấn trực tiếp cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước về chính sách kiều bào, một nghị quyết quan trọng đã ra đời – Nghị quyết 36 về kiều bào (năm 2004).

“Nghị quyết 36 mang tinh thần cốt lõi là hòa hợp dân tộc và đoàn kết dân tộc” – ông nói trong cuộc trò chuyện với VietNamNet đầu năm. Điều này được Nghị quyết khẳng định rõ “xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp” để “tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai”.

Với gần 10 năm công tác trực tiếp về vấn đề kiều bào (từ 1991-2000 trong vai trò Chủ nhiệm UB về người Việt Nam ở nước ngoài), ông Niên khẳng định nhờ có Nghị quyết này, trong gần 10 năm qua, đã có không ít những nút thắt được mở. 

 

c
Với Nghị quyết 36, không ít nút thắt được mở trong vấn đề kiều bào. Ảnh: Hoàng Ngọc
 
Điểm nhấn gần đây nhất là Luật Quốc tịch năm 2008 đã tạo điều kiện cho phép công dân Việt Nam có thể mang hai quốc tịch,  Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 Luật nhà ở và Điều 121 Luật đất đai cho phép mở rộng đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, miễn thị thực cho kiều bào cư trú trong nước 3 tháng, bước đầu xây dựng chính sách, biện pháp thu hút chuyên gia, trí thức kiều bào trở về đóng góp cho đất nước….

Điểm lõi của Nghị quyết 36 là hòa hợp dân tộc – theo nguyên Bộ trưởng Ngoại giao – dù đã có những bước đi mạnh dạn song vẫn chưa thực sự trọn vẹn.

Quyết liệt hơn 

37 năm sau chiến tranh giải phóng, thống nhất đất nước, chúng ta nêu vấn đề này vào thời điểm hiện nay mà vẫn chất chứa những điều chưa trọn vẹn. Vì sao, thưa ông?

Vấn đề hòa hợp dân tộc ai cũng thấy là đúng cả. Ai cũng thấy cần phải làm nhưng làm như thế nào thực sự không dễ dàng. Khi thống nhất đất nước, đất nước bộn bề công việc, có biết bao nhiêu vấn đề đặt ra. Lúc đó đất nước đứng trước khó khăn về tái thiết. Vấn đề hòa giải sau chiến tranh đòi hỏi quá trình, nôn nóng cũng không được. 

 

Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên tại hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài năm 2010. Ảnh: Phương Thuận

 

Bối cảnh Nghị quyết 36 ra đời cách đây gần 10 năm, tôi nghĩ đó là thời điểm mà khi đất nước mang diện mạo mới bắt đầu định hình sau tái thiết, Trung ương đã thấy cần phải đưa ra những quyết định mạnh mẽ cho vấn đề này như một sự bức thiết. Dù khi làm công tác kiều bào thời điểm những năm thập niên 1990, khi đi đến các địa phương, tôi cảm nhận vấn đề này thực sự khó khăn. Chiến tranh ác liệt qua đi, có những vết thương vẫn còn đó, để nói chuyện ngồi lại với nhau, tha thứ là điều thực sự khó khăn. Ngay cả thời điểm bây giờ cũng vậy, không phải vết thương nào cũng lành, cũng vơi bớt. Tâm lý con người là vậy, khó có thể nói nhận thức ý chí lắm. Bởi lẽ đó, yếu tố thời gian là quan trọng. 

Thực tiễn đổi mới hơn 20 năm qua đã đưa diện mạo đất nước bước sang một trang mới, và hiện thực đi quá nhanh, bối cảnh thế giới cũng đã khác, có nhiều thay đổi. Liệu những lấn cấn, chưa trọn vẹn có làm cho mọi việc sẽ lại chậm đi không, trong khi nguồn lực đất nước đang khát, từ tri thức đến khoa học công nghệ, nhân lực?

Nhận định thời gian để chúng ta có một Nghị quyết 36 như thế hơi dài cũng bởi tại chính thời gian là một liệu pháp để làm lành vết thương, dần lấp những nỗi đau, khoảng trống. Cốt lõi của Nghị quyết 36 là hòa hợp dân tộc và đoàn kết dân tộc. Nhưng muốn làm thì các mặt triển khai như thế nào? Điều này đòi hỏi không chỉ một cơ quan nhà nước như UB về người Việt Nam ở nước ngoài mà cả các cấp, các ngành, địa phương. Có thể nói cả hệ thống chính trị phải sẵn sàng  và cùng tham gia mới thực hiện được. Đó là những điều đã tính tới khi Nghị quyết 36 ra đời.

Gần tròn 10 năm thực hiện Nghị quyết, nhìn lại, không thể phủ nhận đã có những bước rất tốt nhưng đoạn đường còn phải đi tiếp vẫn dài lắm. Nhưng sau 10 năm thì thực tiễn cũng cho thấy cần những đổi mới, bổ sung trong triển khai trên thực tế, có những điều phải sửa, phải chấn chỉnh và quyết liệt hơn.

3 điểm cốt lõi

Đó là những gì, thưa ông?                            

Có 3 lĩnh vực. Về kinh tế, năm 2011, kiều hối được ghi nhận là 9 tỷ USD, tất nhiên có đóng góp của mấy trăm nghìn lao động gửi về nhưng phần lớn của kiều bào. Cái này nói lên Việt Nam là điểm thu hút được đầu tư vì kinh tế thế giới khó khăn, họ thấy ở Việt Nam làm ăn tốt hơn. Bây giờ phải tận dụng, nhân cơ hội này phải thoáng hơn nữa cho kiều bào đầu tư về, chủ yếu là các lĩnh vực sản xuất. Đầu tư thì phải có lãi, đầu tư không có lãi thì ai đầu tư, thế thì phải tạo điều kiện thông thoáng về kinh tế. Các cơ quan chức năng kinh tế phải làm kỹ hơn. 

 

Kiều bào dự hội nghị người Việt trên toàn thế giới, Hà Nội 2009. Ảnh: Lê Anh Dũng

 

Lĩnh vực thứ hai rất quan trọng là làm thế nào cho trí thức kiều bào về trong nước, họ tham gia công việc giảng dạy, nghiên cứu, trao đổi với các nhà khoa học trong nước. Hiện nay đã làm được một vài việc được nhưng phần lớn những nhà trí thức chưa thật hiểu nhau lắm đâu. Sức mạnh của kiều bào, theo tôi, đó là chất xám. Với môi trường khoa học, văn hóa thuận lợi, nhiều người gốc Việt đã học tập và rất thành đạt. 

Làm thế nào để kéo họ về? Nhất là trong bối cảnh giáo dục của chúng ta có nhiều vấn đề, làm thế nào thu hút được trí thức Việt kiều về để họ chia sẻ kinh nghiệm. Chúng ta làm còn ít, còn dè dặt. Dù ngay việc đưa một giáo sư Việt kiều về tham gia các công trình trong nước cũng khó khăn lắm, rất vất vả, công phu. Tôi nghĩ muốn đẩy hơn nữa, cơ quan chức năng phải tích cực hơn, đầu tư hơn.

Lĩnh vực thứ ba là giữ gìn bản sắc văn hóa của người Việt. Bây giờ thế hệ thứ hai, sắp tới là thế hệ thứ ba, thứ tư… làm thế nào họ giữ được văn hóa Việt? Cái này khó lắm, vì họ sống giữa biển cả mênh mông của văn hóa nước sở tại thì làm sao chốt lại được nét văn hóa Việt Nam. 

Một vấn đề quan trọng là làm thế nào giữ được ngôn ngữ, văn hóa Việt. Mười năm qua, chúng ta in sách giáo khoa rồi gửi ra nước ngoài, một số nước như Lào, Campuchia chúng ta gửi giáo viên sang nhưng cũng vất vả, không dễ thành công. Chưa nói bên Mỹ, Pháp, các nước khác, bây giờ thế hệ thứ ba nói tiếng địa phương, nói tiếng Anh, Pháp, ít biết tiếng Việt.

Tổ chức trại hè vừa rồi các cháu về nước nhưng cũng hiểu tiếng Việt ít lắm. Nhưng khó không có nghĩa không làm được, mà phải làm được. Kinh nghiệm của cộng đồng người Nhật ở Brazil, người Hoa ở hầu như các nơi trên thế giới cho thấy họ vẫn giữ được ngôn ngữ gốc. Thế mạnh của họ là cộng đồng lớn. Mình ngoại trừ ở Mỹ, Pháp, Australia, một vài nơi thì quy mô cộng đồng tương đối, còn ở những nơi khác cộng đồng nhỏ, phân tán. Trong khi họ phải sống hòa nhập nước sở tại nên sẽ khó khăn giữ gìn bản sắc, ngôn ngữ. Dù ít hay nhiều, cần làm thế nào để họ vẫn giữ cái cốt cách của người Việt. Ví dụ ngày Tết thì nhớ đến ông bà, giao thừa…

Bản lề còn rộng

Trở lại vấn đề hòa hợp dân tộc – điểm cốt lõi của Nghị quyết 36, theo ông, làm thế nào để hiện thực hóa trọn vẹn khi mà thời gian cũng đã đủ dài?

Cái quan trọng nhất là làm thế nào để sự phân biệt giảm đi và người trong nước phải gần gũi hơn, chìa bàn tay ra để kéo lại. Như chuyện anh muốn vỗ tay thì phải vỗ bằng hai tay, chứ không thể một tay. Nó phải từ hai phía. Hai phía phải tìm cách để cùng gặp nhau. Cần thúc đẩy, làm mạnh hơn như tạo điều kiện cho kiều bào đầu tư rộng rãi hơn.

 

 

“Thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, tiếp theo việc cho phép những quan chức, sỹ quan cấp cao chế độ Sài Gòn cũ được về nước, dân sự hóa nghĩa trang Bình An (tỉnh Bình Dương)… ta đã tạo điều kiện giúp tìm kiếm, cải táng hài cốt những người thân diện HO chết trong thời gian học tập, cải tạo. 
Bên cạnh đó, thúc đẩy việc thành lập các tổ chức của người Việt Nam ở Mỹ, Canada, Australia, hợp nhất tổ chức thành Tổng hội hoặc Hội người Việt Nam ở địa bàn có điều kiện…, hỗ trợ sự liên kết giữa các Hội người Việt Nam, các tổ chức doanh nhân kiều bào ở các nước để tạo sức mạnh tập hợp đoàn kết kiều bào…

Ngoài ra sẽ cử các đoàn công tác liên ngành đến các địa bàn có đông kiều bào để chủ động trực tiếp đối thoại với các tổ chức và cá nhân còn mặc cảm, định kiến với đất nước…”.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm UB về người Việt Nam ở nước ngoài