Tag Archives: Nguyễn Vạn Phú

Tình hình kinh tế Việt Nam đang như thế nào? Hay 5 nhầm tưởng phổ biến trong giới lãnh đạo

Tiêu chuẩn

Tình hình kinh tế Việt Nam đang như thế nào? Hay 5 nhầm tưởng phổ biến trong giới lãnh đạo

Nguyễn Vạn Phú
Một câu hỏi thường trực trong tâm trí nhiều người là sức khỏe kinh tế thực sự đang ra sao mà thấy sao có nhiều dấu hiệu trái ngược nhau quá. Nhìn quanh, ai cũng nói chuyện doanh nghiệp tư nhân rơi rụng đến con số hàng chục ngàn, thậm chí cả trăm ngàn, ai cũng có quen biết với một người vừa mới thất nghiệp và ai cũng thấy làm ăn ngày càng khó khăn, thậm chí đến chỗ bế tắc. Các đại biểu Quốc hội than nghe còn bi đát hơn như “Tình hình kinh tế gay go lắm rồi”.
Nhưng lùi lại một chút, nhìn vào các chỉ số quan trọng thì thấy tình hình đang cải thiện: lạm phát được kềm chế, tỷ giá ổn định, cán cân thương mại tương đối cân bằng, xuất khẩu tăng trưởng tốt, và đặc biệt thị trường chứng khoán đang ấm dần lên. Read the rest of this entry

Thiệt không hiểu nổi!

Tiêu chuẩn

Thiệt không hiểu nổi!

Nguyễn Vạn Phú- FB

"Chênh lệch giá vàng là thuộc về đất nước, thuộc về nhân dân"...

“Chênh lệch giá vàng là thuộc về đất nước, thuộc về nhân dân”...

Lời bình của Anh Ba Sam: Nhận xét của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khi tham gia chuyên mục “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời”: Người dân được hưởng lợi khi giá vàng chênh lệch (VOV/ CafeLand). “Nhưng đến nay toàn bộ hoạt động này do nhà nước đảm nhiệm cho nên toàn bộ chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới là thuộc về ngân sách nhà nước để đầu tư lại cho nền kinh tế, thực hiện các công trình phúc lợi xã hội“. Vậy là thống đốc Nguyễn Văn Bình thừa nhận, nhà nước đang tạo ra cơ chế để cướp tiền của dân. Còn có đầu tư vào các công trình phúc lợi xã hội hay không thì ai giám sát số tiền mà họ cướp được để biết nó được sử dụng như thế nào? Vả lại, cho dù có đầu tư vào các công trình phúc lợi XH như ông Bình nói đi nữa, cũng không thể cướp tiền của dân để đầu tư.

Read the rest of this entry

Chuyện không đơn giản

Tiêu chuẩn

Chuyện không đơn giản

Nguyễn Vạn Phú

Thue_TNDN

 

Mới nghe qua, đề xuất giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 22%, thậm chí còn 20% là đáng hoan nghênh vì đây sẽ là một động lực cho giới doanh nhân bỏ tiền đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, từ đó tạo ra công ăn việc làm cho xã hội.

Thế nhưng câu chuyện sẽ không còn đơn giản như thế nếu phân tích kỹ hơn, sâu hơn một chút. Trong dự toán ngân sáchnăm 2013, thu thuế thu nhập doanh nghiệp ước chừng trên 220.000 tỷ đồng, cỡ bằng chi cho giáo dục – đào tạo, dạy nghề và chi cho y tế. Dự toán này được tính toán trên thuế suất phổ biến là 25% (dĩ nhiên có rất nhiều dự án được hưởng thuế suất ưu đãi 10%, 15%, 20%). Nay thuế suất giảm xuống 23% hay 22% thì chắc chắn con số không còn là 220.000 tỷ đồng nữa mà phải giảm xuống, giảm bao nhiêu thì Bộ Tài chính đã được ra con số ước lượng cho năm tới khi bắt đầu áp dụng thuế suất mới.

Vì thế những ý kiến nói, do doanh nghiệp đang lỗ, không có lợi nhuận nên con số thu thuế không giảm, không mất đi đâu cả là không chính xác. Có lẽ khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Các đồng chí bảo mất tôi không tin, họ có làm ra đâu mà nộp, không nộp lấy gì mà thu thuế” thì đây chỉ là “cách nói khéo” để “động viên” Chính phủ tìm cách giảm thuế nhanh cho doanh nghiệp hòng vượt qua khó khăn hiện nay!

Điều đáng nói, một khi ngân sách giảm, chi tiêu sẽ bị ảnh hưởng. Chi tiêu đó có thể cho những dự án lãng phí nhưng cũng có thể là cho các dự án xóa đói giảm nghèo, các dự án xã hội. Chính vì vậy, chính phủ các nước thường rất cân nhắc mỗi khi giảm thuế cho giới kinh doanh bởi người dân sẽ phản đối do các chương trình an sinh xã hội sẽ bị ảnh hưởng.

Cân nhắc giữa hiệu ứng lan tỏa lâu dài của một môi trường kinh doanh hấp dẫn nhờ có thuế suất thấp với hiệu ứng trước mắt khi phải cắt giảm chi tiêu ngân sách là một cân nhắc khó chứ không phải là chuyện đơn giản.

Chúng ta hãy lấy thêm một ví dụ cụ thể để thấy nếu làm không khéo sẽ dẫn đến bức tranh nghịch lý không mong muốn. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp dành cho báo in, kể cả quảng cáo trên báo được đề xuất giảm xuống còn 10%. Mới nhìn qua thì đây là chính sách rất hợp tình hợp lý, giúp báo chí vượt qua một giai đoạn đang rất khó khăn hiện nay. Nhiều lập luận cho rằng báo chí hoạt động không mang tính thương mại, chủ yếu để chuyển tải thông tin mọi mặt đến với xã hội…

Nhưng liệu có ổn không khi giảm thuế xuống còn 10% cho cả các tờ mang tính giải trí, mua bản quyền của nước ngoài, đang mang măng-sét tiếng Anh như các tờ “Her World”, “Cosmopolitan”, “Esquire”, “Women’s Health”, “Elle”, “Bazaar”… Các sạp báo bây giờ tràn ngập các loại báo này trong khi các tờ tạp chí khác dần dần biến mất. Các tờ mang tính nghiên cứu thì càng khó ra sạp hơn nữa. Nhưng nếu đặt ra các tiêu chí để được hưởng thuế suất thấp cũng khó vì sẽ mang nặng tính xin-cho như trước. Đặt ra yêu cầu không giảm thuế đối với những tờ nhượng quyền từ nước ngoài cũng khó vì sẽ có những tờ nhượng quyền mang tính khoa học – công nghệ cần khuyến khích lại bị ảnh hưởng.

Thật ra có những cách giúp báo in thiết thực hơn đã không được chú ý. Đó là bãi bỏ trần khống chế chi phí khuyến mãi, quảng cáo được xem là hợp lý để được khấu trừ cho doanh nghiệp. Hiện nay mức trần là 10% và đang được xem xét nới lỏng đến 15%. Tại sao không bỏ hẳn quy định rất “đặc thù” chỉ có ở Việt Nam này bởi nó vừa giúp doanh nghiệp được rộng tay quảng bá hình ảnh, vừa giúp mở rộng thị phần quảng cáo cho báo chí. Một công đôi việc – vì sao vẫn còn ngần ngại?

Bài báo của Thanh Niên chỉ sai về mặt kỹ thuật, về bản chất không có gì sai cả

Tiêu chuẩn

Bài báo của Thanh Niên chỉ sai về mặt kỹ thuật, về bản chất không có gì sai cả

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phản ứng mạnh bài ‘Rửa’ vàng bằng cơ chế đăng trên báo Thanh Niên ngày 24-4 đến nỗi báo này phải rút bài xuống, hôm sau thì đăng đính chính trên báo in.
Vấn đề được NHNN đẩy đến chỗ hình sự hóa khi mời Bộ Công an (Tổng cục An ninh II) “cùng xử lý thông tin rửa vàng”, tạo một tiền lệ chưa từng có.
Bình tĩnh đọc lại bài báo trên báo Thanh Niên thì thấy căn cứ để tác giả nêu ra cáccon số nhập lậu vàng vào Việt Nam trong các năm qua là một báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới. Theo đó, bài báo cho rằng Việt Nam đã nhập khẩu 87,8 tấn vàng thỏi trị giá 4,561 tỷ đô-la vào năm 2011; 75,2 tấn vàng thỏi trị giá trên 4 tỷ đô-la vào năm 2012. Với vàng nữ trang thì ít hơn, năm 2011 nhập năm 2011 là 13 tấn, năm 2012 thêm 12,5 tấn nữa.
Cái sai về mặt kỹ thuật ở đây là báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới dùng khái niệm “gold demand”, tức nhu cầu vàng, được họ định nghĩa là “tổng lượng vàng nữ trang và vàng miếng tiêu thụ trong cả nước”. Nhu cầu vàng này được ước tính dựa trên cung vàng từ các nguồn, gồm vàng chế tác và vàng nhập từ các nguồn không chính thức. Nói tóm lại, họ lấy các con số do các công ty vàng bạc lớn của cả nước bán ra trong năm để ước tính ra “demand” (cầu vàng), còn các công ty này lấy vàng từ đâu thì họ không quan tâm (vì cũng chẳng biết). Vàng đó có thể từ nhập lậu, cũng có thể từ các dạng vàng khác dập thành vàng miếng hoặc vàng nguyên liệu nhập từ trước.
Ví dụ theo thông tin trên trang web của SJC, doanh thu của SJC năm 2010 là 4,27 tỷ đô-la, năm 2011 là 5,28 tỷ đô-la (khoảng 100 tấn giá lúc đó), chủ yếu là nhờ mua bán vàng miếng ra thị trường. Lưu ý là doanh thu này không có nghĩa SJC bán ra 100 tấn mà có thể xoay vòng nhiều lần, mua vào rồi bán ra nhưng cuối cùng cũng tính thành nhu cầu tiêu thụ vàng của toàn thị trường. Nhưng vàng nguyên liệu ở đâu ra để bán? Có thể từ nhập khẩu, có thể từ mua vàng đủ loại trên thị trường (từ chuyên môn là scrap gold) về chế biến thành vàng bốn số chín.
Vậy nếu bài báo nói những con số này là nhu cầu vàng, trong đó một tỷ lệ nào đó là từ vàng nhập lậu thì hoàn toàn chính xác, không cãi vào đâu được. Vàng nhập lậu tác động lên tỷ giá là chuyện ai cũng biết nên đoạn tiếp theo cũng không có gì sai cả.
Bây giờ đến đoạn quan trọng nhất là câu “hé lộ khả năng đã có tình trạng trục lợi chính sách để ‘rửa’ số lượng vàng lậu khổng lồ đã tràn vào Việt Nam”. Chỉ cần biên tập bỏ chữ khổng lồ (vì như đã nói ở trên là không xác định được khối lượng vàng nhập lậu là bao nhiêu) thì câu này đâu có cáo buộc trực tiếp NHNN điều gì đâu. Bài báo chỉ nói đến khả năng người khác trục lợi do chính sách chứ đâu nói chính sách là nhằm rửa vàng lậu?
Tôi đã từng phê phán chính sách cho tạm xuất tái nhập vàng rồi nên ở đây không nhắc lại nữa nhưng rõ ràng chính sách này dễ bị một bên khác lợi dụng để hưởng lợi nhiều cách, kể cả không loại trừ khả năng hợp thức hóa vàng lậu nhập trước đó (dù số lượng có thể ít) mà NHNN không biết.
Nếu NHNN là nơi muốn lắng nghe dư luận để điều chỉnh chính sách thì đây là dịp rất tốt để hiểu thị trường bên ngoài đang nghĩ như thế nào về mình, công tác tuyên truyền còn yếu ra sao để họ hiểu nhầm như thế ấy, chứ tại sao lại hình sự hóa vấn đề lên như thế? Lắng nghe như thế biết đâu là nguồn thông tin để NHNN rà soát lại chính sách xem có để ai lợi dụng không chứ chưa gì đã phủ định hết sạch như thế thì chủ quan quá.
Chính sách liên quan đến vàng đang tiếp tục nhận những phê bình của công luận. Dù báoThanh Niên có đính chính thì báo Pháp Luật TPHCM lại có bài Thị trường vàng: Nguy cấp! Điều hành vàng: Thất bại! (Với câu dẫn rất ấn tượng: Thanh tra cần làm rõ: Vàng lậu vào VN là bao nhiêu? Đấu giá vàng và tạo ra tình hình độc quyền thương hiệu để làm gì?); báo Tuổi Trẻthì có bài Ai mua hơn 12 tấn vàng đấu thầu?” đặt vấn đề NHNN đã tung ra hơn 12 tấn vàng nhưng giá vàng trong nước không những không giảm mà ngày càng bỏ xa giá vàng thế giới.
Đâu có thể “méc” bên Bộ Công an hết được!

Từ một góc nhìn khác

Tiêu chuẩn

Từ một góc nhìn khác


1.Ý nghĩa của việc thay đổi từ “theo quy định của pháp luật” thành “theo quy định của luật” là gì?
Một trong những góp ý của Chính phủ với bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp là bỏ một từ “pháp” trong cụm từ “theo quy định của pháp luật”. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp khi đề cập đến các quyền cơ bản quan trọng của công dân như tự do đi lại, cư trú, tự do ngôn luận, tự do báo chí, lập hội, biểu tình đều có ghi thêm câu “theo quy định của pháp luật”. Nay Chính phủ đề nghị chỉ ghi “theo quy định của luật”. Ủy ban sửa đổi Hiến pháp cũng đang tập hợp ý kiến góp ý của người dân vào bản dự thảo mới, trong đó với những quyền cụ thể, cũng thay đuôi “theo quy định của pháp luật” thành “theo luật định”.
Chỉ một từ vì sao lại tạo ra sự khác biệt?
Nếu xem Hiến pháp là một khế ước xã hội nơi người dân trao quyền cho Nhà nước thay mặt họ trong một số trường hợp để quản lý xã hội nhưng cũng khẳng định một số quyền cơ bản không thể tước bỏ của người dân thì viết như kiểu cũ là không đúng với tinh thần Hiến pháp. “Theo quy định của pháp luật” có nghĩa những quyền hiến định sẽ bị các đạo luật dưới Hiến pháp ràng buộc, hạn chế một bước rồi sau đó các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư lại ràng buộc, hạn chế thêm nhiều bước khác.
Còn nếu hiểu một cách đúng đắn, luật là công cụ người dân thông qua đại biểu dân cử làm ra để bảo vệ các quyền hiến định của mình thì luật chỉ nhằm mục đích giúp người dân thực hiện quyền của họ một cách hợp lý nhất. Hiến pháp quy định công dân có quyền tự do cư trú thì luật trước tiên phải khẳng định quyền này, phải ràng buộc Nhà nước làm sao để quyền này không bị tước bỏ. Luật chỉ được quyền cụ thể hóa sự tự do cư trú ấy như thế nào mà thôi, bằng không sẽ bị tuyên là vi hiến. Viết như kiểu cũ, quyền tự do cư trú sẽ bị hạn chế bằng các điều kiện mà luật pháp đặt ra như có nhà, có nghề nghiệp…
Góc nhìn cũ là tìm cách quản lý quyền của công dân; góc nhìn mới là bảo vệ quyền của công dân. Vì thế, vẫn có ý kiến, tốt nhất là Hiến pháp bỏ luôn cụm từ “theo quy định…” để không còn cơ hội nào cho sự diễn giải sai, dù vô tình hay cố ý.
*                      *                      *
2. Vì sao không thể viết “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam”?
Điều 70 (sửa đổi, bổ sung Điều 45) của bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp viết: “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân…”.
Sau khi tổng hợp góp ý của đông đảo người dân, Ủy ban sửa đổi Hiến pháp cuối tuần trước cho biết đang có hai luồng ý kiến muốn sửa đổi điều này (và dường như không có luồng nào muốn giữ nguyên văn như trên cả).
Luồng thứ nhất dừng ở mức độ chuyện chữ nghĩa, trật tự của câu văn. Nhiều người lập luận Tổ quốc và nhân dân là đã bao gồm cả Đảng cộng sản Việt Nam. Trong việc bảo vệ đất nước thì Tổ quốc và nhân dân là trên hết, không thể nào xếp Đảng đứng đầu như một ưu tiên phải được bảo vệ đầu tiên.
Ý kiến loại này được ngay cả các vị quan  chức đã về hưu như cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm nêu lên. Tại hội nghị góp ý kiến cho dự thảo Hiến pháp của Bộ Tư pháp, tất cả ý kiến góp ý đều đề nghị đổi vị trí và cách diễn đạt điều 70 thành: “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Đảng cộng sản Việt Nam…”.
Thật ra ngay chính Cương lĩnh 2011 của Đảng cũng ghi rõ theo trật tự đó: “Xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân…”.
Luồng ý kiến thứ hai muốn giữ nguyên như Hiến pháp 1992, tức là không quy định “lực lượng vũ trang phải tuyệt đối trung thành với Đảng cộng sản Việt Nam”.
Mặc dù không có chi tiết thêm về lập luận đằng sau luồng ý kiến thứ hai này, thiết nghĩ Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội nhưng điều này chưa được luật hóa thành những văn bản luật cụ thể nên sự lãnh đạo thường thông qua các nghị quyết, đường lối, chính sách và nhất là thông qua con người cụ thể được phân công những nhiệm vụ cụ thể trong bộ máy nhà nước.
Vì thế mọi hoạt động liên quan đến lực lượng vũ trang, về mặt chính thức mà nói, đều thông qua bộ máy nhà nước. Việc phong hàm cấp tướng chẳng hạn cho các sĩ quan quân đội hay cảnh sát là do Chủ tịch nước hay Thủ tướng Chính phủ; hay một ví dụ khác, việc điều động quân đội đi chống lũ, cứu dân… là do bên chính quyền điều động. Đó là cơ chế bình thường nay ghi thêm dòng “tuyệt đối trung thành với Đảng”, không lẽ sẽ có những cơ chế khác, một hệ thống chỉ huy khác? Chắc chắn không có chuyện đó – thì ghi như dự thảo vừa thừa vừa gây sự lúng túng không đáng có.
Hơn nữa, dự thảo sửa đổi Hiến pháp còn có điều 93: Chủ tịch nước có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:… Thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh… Nếu Chủ tịch nước là người thống lĩnh các lực lượng vũ trang, tức các lực lượng vũ trang phải tuyệt đối tuân thủ mệnh lệnh của Chủ tịch nước. Viết như dự thảo sẽ gây ra sự lúng túng, bối rối không phân định rõ của bộ máy chỉ huy quân đội.
Tổ quốc và nhân dân là những khái niệm thiêng liêng – trở về với cách viết như cũ là thể hiện sự tôn trọng với Tổ quốc và nhân dân, nhất là tôn trọng tính trung thành tuyệt đối của Đảng đối với Tổ quốc và nhân dân.
3. Phần viết thêm:
Ý nghĩa đằng sau những thay đổi mới nhất trong chuyện sửa đổi Hiến pháp là gì? Nên có thái độ như thế nào? Có phải chúng ta đang bị lừa cho những chiêu trò hậu trường chăng? Đây là băn khoăn của nhiều người. Riêng tôi, tôi suy nghĩ đơn giản: Đây là điều tốt về nhiều mặt, cần thúc đẩy.
– Cách đây chỉ mới mấy tuần, hàng loạt bài báo tràn ngập báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân và đài truyền hình, lớn tiếng phê phán những ý kiến khác với ý kiến chính thống là phản động, suy thoái, là bị thế lực thù địch nước ngoài giật dây… Nay chính các tờ này phải im tiếng. Và sau này những cây bút từng viết những bài đầy chủ quan và quy chụp như thế ắt phải chùn tay để khỏi bị hố to. Đấy không phải là điều hay hay sao?
– Cũng trong thời gian đó báo chí truyền thống khác phần đông là im tiếng. Chỉ có các diễn đàn trên các mạng xã hội là phân tích nêu lên những điểm nay đã được tích hợp vào bản dự thảo mới. Điều đó cho thấy đặc điểm lan tỏa của ý kiến cá nhân, không phụ thuộc vào phương tiện truyền thông cổ điển nữa. Đó cũng là một điểm đáng khích lệ khác.
– Có người cho rằng sự thay đổi mới xuất hiện chỉ là một cách mua chuộc lòng dân. Thế thì đã sao? Muốn mua thì cũng phải trả giá và đó chính là quá trình thỏa hiệp sao cho lợi ích của đa số được tôn trọng. Muốn mua chuộc có nghĩa lòng dân đã có giá, được chú trọng – và đó chính là khởi điểm của dân chủ, tức tiếng nói của người dân được lắng nghe. Nếu không có những phản ứng của người dân khi bị trục đuổi khỏi mảnh đất của họ thì sẽ không có tranh luận về thu mua hay trưng mua, sẽ không có việc đề nghị bỏ quy định thu hồi đất vì lý do phát triển kinh tế…
– Những ý kiến đại loại đổi tên nước là âm mưu đổi tiền đấy, là ý kiến phá đám, không nên lưu tâm. Riêng đề xuất đổi tên nước, tôi nghĩ đây vừa là chuyện quan trọng nhưng vừa không mang tính thực tiễn cho lắm. Tạm thời không nên tập trung vào đó dễ bị lạc hướng.

Mua máy bay đi dự festival

Tiêu chuẩn

          Mua máy bay đi dự festival

Giả dụ có một liên hoan thanh niên toàn thế giới được tổ chức ở một nước Nam Mỹ. Ban tổ chức và các đoàn tham dự có bao giờ lo chuyện kiếm đủ tiền để mua nhiều chiếc máy bay chở mọi người đến dự liên hoan? Không hề, họ chỉ cần mua vé máy bay của các hãng và lo nội dung liên hoan sao cho thiết thực, hấp dẫn và đúng nhu cầu của thanh niên.
Cái ví dụ khá kỳ quặc nói trên là nhằm so sánh với chuyện Đoàn Thanh niên đang có kế hoạch xây dựng một mạng xã hội cho riêng mình, một hành động tương tự việc xoay tiền mua nguyên các chiếc máy bay, thay vì tập trung vào nội dung, hình thức, các yếu tố lôi cuốn thanh niên đến với mạng này.
Trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ, Bí thư Trung ương Đoàn Dương Văn An cho biết mục tiêu của việc xây dựng mạng xã hội là “mong muốn sẽ có thêm công cụ truyền thông để chuyển tải thông tin từ trên xuống dưới xuyên suốt hơn, đáp ứng nhu cầu thông tin, giao lưu trên mạng của thanh niên, làm cho những thanh niên trên các vùng miền, địa bàn gần nhau hơn”. Một mục tiêu khác là “thông qua mạng, thanh niên, các cơ sở Đoàn có thể học hỏi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau để phát triển phong trào hiệu quả. Đoàn cũng mong muốn sẽ thông qua mạng xã hội xây dựng các hệ thống quản lý đoàn viên, cán bộ Đoàn, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác Đoàn…”
Internet là một phương tiện giúp mọi người kết nối với nhau chứ bản thân nó không phải là cứu cánh. Trên nền phương tiện khổng lồ này hiện đã có rất nhiều công cụ giúp việc kết nối dễ dàng hơn, thuận lợi hơn tùy vào mục đích của người dùng, tương tự như các chuyến bay của các hãng hàng không. Ví dụ để chuyển thông tin từ trên xuống dưới xuyên suốt thì điều mà Đoàn Thanh niên cần không phải là một công cụ mạng xã hội mà là một trang web thông tin, tương tự như hệ thống 11 cơ quan báo chí của Trương ương Đoàn. Muốn các cơ sở Đoàn học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau thì chỉ cần chọn một mạng xã hội đang có sẵn rồi dùng nền tảng đó để giao lưu như hàng triệu người đang giao lưu trên các mạng xã hội này. Muốn xây dựng hệ thống quản lý đoàn viên thì cái mà Đoàn Thanh niên nhắm tới là một cơ sở dữ liệu, cũng xây dựng dễ dàng trên nền tảng các phần mềm thương mại có sẵn. Muốn tổ chức thi online thì làm một trang web tương tác… Nói tóm lại, tùy từng mục đích cụ thể, Đoàn có thể chọn các công cụ có sẵn để phục vụ cho mình một cách tiết kiệm nhất. Vấn đề quan trọng hơn là nội dung chuyển tải bằng các công cụ đó, chứ không phải bản thân cái công cụ mà nghe đâu dự kiến phải tốn đến 200 triệu đô-la để xây dựng.
Các yếu tố cạnh tranh để thu hút thanh niên đến với mạng xã hội của Đoàn, yếu tố kiểm soát thông tin, yếu tố dùng mạng xã hội để tạo sự sôi nổi, lan tỏa nhanh hơn, mạnh hơn đến với đông đảo thanh niên đều không phụ thuộc vào việc Đoàn có mạng riêng của mình hay không mà phụ thuộc vào chất lượng thông tin chuyển tải.
Ngay cả kỹ thuật xây dựng sự tương tác, cơ sở dữ liệu, quản trị người dùng sao cho có hiệu quả nhất cũng nên được Đoàn gọi thầu bên ngoài (outsource), vừa chuyên nghiệp, được giá tốt nhất, vừa tận dụng được chất xám của xã hội.
Việc xây dựng mạng xã hội cho Đoàn Thanh niên hiện mới chỉ dừng ở chủ trương; một bộ phận sẽ được giao việc nghiên cứu, đề xuất các giải pháp gồm các yếu tố nội dung, công nghệ, cách thức tổ chức thực hiện, con người, kinh phí… Rất mong Trung ương Đoàn phân biệt được giữa phương tiện và mục đích để tập trung vào chuyện cần tập trung và không tiêu tốn tiền, “mua nguyên chiếc máy bay trong khi nhu cầu chỉ là đi dự liên hoan quốc tế”.