Chịu sao nổi nếu đem đại đội đánh sư đoàn?

Tiêu chuẩn

Chịu sao nổi nếu đem đại đội đánh sư đoàn?

 

– Một ủy ban được coi là xương sống trong lĩnh vực pháp luật nhưng chỉ có 20 người làm được việc. So với nhu cầu không khác đem đại đội đánh một sư đoàn. Chịu sao nổi?

Ý kiến trên do ĐBQH Ngô Văn Minh (Quảng Nam) nêu tại phiên họp của QH sáng nay 22/11 khi thảo luận về tình hình triển khai thi hành các luật, nghị quyết đã được QH khóa 13 thông qua.

Ông Minh, cũng như nhiều ĐBQH khác cùng có ý kiến, đều nhấn mạnh nguyên nhân chính khiến các văn bản luật, dưới luật ban hành chậm thời gian qua là do “yếu kém ở mặt con người”.

Bày tỏ “cảm kích” trước việc Thủ tướng nhận “trách nhiệm, khuyết điểm” trước QH ở phiên chất vấn hôm qua về việc ban hành chậm các văn bản luật, dưới luật, nhưng ông muốn người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ địa chỉ trách nhiệm.

Theo ông, Chính phủ thực tế còn nợ 51% văn bản chi tiết hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh đã được QH thông qua.

 

luật, Chính phủ, thẩm tra, giám sát, Ngô Văn Minh, Chu Sơn Hà, Nguyễn Đình Quyền
ĐBQH Ngô Văn Minh. Ảnh: Minh Thăng

“Thủ tướng nhận trách nhiệm là đúng, nhưng ý của tôi là muốn Thủ tướng giải trình: ai, bộ, ngành nào Thủ tướng đã phân công mà không làm tròn trách nhiệm thì Thủ tướng cũng phải xử lý, ít ra cũng phải phê bình nghiêm khắc chứ không có hình thức nào thì tôi nghĩ câu chuyện năm tới cũng nói như thế mà 5-7 năm nữa chắc cũng nói như thế”, ông Minh nói.

ĐB tỉnh Quảng Nam cho rằng, nguyên nhân luật chưa đi vào cuộc sống do nhân sự của các ủy ban của QH, đội ngũ giúp việc còn mỏng.

“Như Ủy ban Pháp luật là ủy ban xương sống trong lĩnh vực pháp luật nhưng cuối cùng trên dưới 20 đồng chí làm được việc. Tôi nhớ câu nói của Bộ trưởng Quốc Triệu nhiệm kỳ trước, chúng ta đem đại đội đánh một sư đoàn làm sao chịu nổi?”, ĐB nhấn mạnh không thể để xảy ra “nợ đọng” văn bản pháp luật, dưới luật trong thời gian tới.

Thẩm tra chay luật?

ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) băn khoăn trong khi tồn tại khoảng trống những văn bản quy định chi tiết của Chính phủ và các ngành không được ban hành thì Chính phủ và các ngành căn cứ vào đâu để điều hành công việc quản lý nhà nước?.

Ông cho rằng, các văn quy phạm pháp luật chậm đi vào cuộc sống do QH làm luật “chạy theo thành tích”, “đưa vào đưa ra” các chương trình xây dựng luật, pháp lệnh quá dễ dàng.

 

luật, Chính phủ, thẩm tra, giám sát, Ngô Văn Minh, Chu Sơn Hà, Nguyễn Đình Quyền
ĐBQH Chu Sơn Hà. Ảnh: Minh Thăng

“QH ăn chay rất tốt cho sức khỏe nhưng ngược lại thẩm tra chay không tốt cho việc thẩm tra các dự án luật. Thời gian qua, chúng tôi thấy một số các ủy ban thường là thẩm tra chay”, ông Hà nói và đề nghị quá trình thẩm tra phải có khảo sát, đánh giá để các dự án luật có chất lượng thẩm tra tốt hơn.

Ông cũng đề nghị, QH ban hành nghị quyết về vấn đề này để đánh giá hoạt động của các cơ quan của QH, của Chính phủ và các ngành để thực hiện công tác giám sát trong thời gian tới. Đồng thời, lấy đây làm kết quả thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm trong thời gian tới.

Trong khi đó, ĐB Lê Thanh Vân (Hải Phòng) cho rằng, chiến lược lập pháp hiện “chưa toàn diện, chưa mang tầm”, chưa thể hiện được tầm cương lĩnh và chưa điều chỉnh bổ sung kịp thời cho những biến đổi thường xuyên của đời sống xã hội.

“QH chỉ vạch ra được những nhược điểm yếu kém cho lập pháp, nhưng chưa có quyền đình chỉ việc vi phạm, vi phạm từ lúc ban hành. Cho nên nhiều đạo luật không có sức sống, nó chết yểu ngay từ khi mới sinh ra”, ông nói.

Ông Vân đề nghị cần phải có một chiến lược lập pháp toàn diện và kịp thời ban hành bằng nghị quyết hàng năm, lộ trình giải quyết những vấn đề ưu tiên theo thứ tự nào, đổi mới quy trình lập pháp.

Khó trách Chính phủ

Ở góc nhìn khác, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH Nguyễn Đình Quyền cho rằng, quy trình lập pháp QH là cơ quan thảo luận, cho ý kiến lần đầu, chỉnh lý và hoàn thiện các dự án luật nên tất cả những yếu kém của các luật, pháp lệnh thuộc trách nhiệm của QH, không thể trách các cơ quan của Chính phủ ban hành chậm.

“Trước đây, chúng ta còn nói Chính phủ hoàn thiện, nhưng hiện nay toàn bộ quá trình chỉnh lý, hoàn thiện là Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội”, ông nói.

Nhận trách nhiệm trước QH về tình trạng nợ đọng ban hành văn bản luật của Bộ mình, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay thực trạng nguồn cung cấp cán bộ chuyên về pháp luật cả Quốc hội và Chính phủ đều thiếu số lượng. Bà cũng đề nghị giải pháp lâu dài QH phải tăng chuyên trách và tạo điều kiện cho đại biểu Quốc hội có những thư ký giúp việc..

Tá Lâm

Bình luận về bài viết này